Ở một nơi của Nam Định phát hiện hàng vạn di vật, có một giếng cổ soi bóng cây bồ đề cổ thụ

Vũ Thị Hoàng Lan (Cổng TTĐT TP Nam Định) Thứ sáu, ngày 14/07/2023 11:42 AM (GMT+7)
Khu di tích Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đã được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, hệ thống di tích này vốn được xây dựng trên cương vực cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa thuộc hành cung Thiên Trường thời Trần thế kỷ XIII – XIV.
Bình luận 0

Trong những năm qua, các cuộc khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc cùng hàng vạn di vật tiêu biểu thời Trần chứng minh sự tồn tại của hệ thống cung điện quy mô hơn 700 năm trước ở khu vực này.

Trong khai quật khảo cổ ở khu di tích Đền Trần phát hiện một giếng nước cổ thuộc khu vực sông Hàm Rồng, một nhánh của dòng Vĩnh Giang cổ thời Trần (cách đền Cố Trạch về phía đông khoảng 100m). 

Nhằm phục vụ nghi lễ rước nước – một nghi lễ truyền thống lâu đời của nhà Trần, khu vực giếng Rồng được phục dựng, tôn tạo lại để thực hành nghi lễ rước nước trong lễ hội đầu xuân.

Ở một nơi của Nam Định phát hiện hàng vạn di vật, có một giếng cổ soi bóng cây bồ đề cổ thụ - Ảnh 1.

Khu vực giếng Rồng phát hiện trong quá trình khảo cố khu di tích Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Giếng Rồng là một giếng cổ.

Theo nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan chuyên môn đã phát hiện một tấm bia đá nằm kẹp dưới gốc cây Bồ đề cách giếng nước khoảng 3m. 

Do thời gian nên rễ của cây Bồ đề đã che lấp khoảng 1/2 thân bia. Phần lộ ra ngoài có kích thước 55cm x 40cm (ước tính kích thước cả bia đá khoảng 110cm x 60cm). 

Bia có thân hình chữ nhật, trán cong hình cánh cung chạm khắc hình rồng, riềm trang trí hoa văn dây lá. Mặt thân bia khắc chữ Hán, kiểu chữ chân theo chiều dọc, một số chữ bị rêu mốc, rễ cây che mất. 

Tuy không phát hiện được niên đại ghi trên bia nhưng căn cứ vào đặc điểm hoa văn trang trí cùng phong cách chữ viết và nội dung trên bia nói lên rằng bia có niên đại muộn, khoảng đầu thế kỷ XX. 

Nội dung tấm bia ghi chép về việc nhân dân thôn, ấp (làng) đã bỏ tiền tu sửa giếng Rồng, có sự giám sát của các chức dịch trong làng, xã. Khi xây dựng xong có dựng bia kỷ niệm để nhắc nhở con cháu đời sau.

Khu vực tôn tạo giếng cổ có diện tích mặt bằng khoảng 750m,ba mặt Tây, Bắc, Đông xây bao tường gạch, mặt phía đông nằm sát dòng Vĩnh Giang (tại khu vực bãi Hàm Rồng). 

Trung tâm hạng mục công trình là khu vực giếng nước và cây Bồ đề - nơi đặt văn bia ghi chép về giếng Rồng ( Long tỉnh). Giếng có kết cấu hình trụ tròn, trên to dưới nhỏ, đường kính miệng ngoài 2,56m, đường kính đáy 1,9m, sâu 2,9m xây hoàn toàn bằng gạch thất.

Theo nội dung văn bia cầu Quan Âm do Trần Trọng Hàng soạn, Trọng Dương Trần Quốc Kiều khắc năm Ất Mùi, niên hiệu Duy Tân 8 (1914) hiện lưu giữ tại chùa Phổ Minh có ghi: “…Tháng 3 niên hiệu Duy Tân 8 (năm 1914) mọi người trong hội Thiện kính cẩn khơi lại giếng cũ ở xứ Hàm Rồng ở Vĩnh Giang và xây sửa lại. Ngày 16 tháng 5 nhuận làm lễ tạ xong đều hưởng phước lành…” 

Như vậy, qua nội dung văn bia không chỉ khẳng định chính xác tên địa danh, vị trí đặt giếng đúng như hiện nay mà còn xác định được chiếc giếng này vốn có từ trước, đến năm 1914 do hư hỏng nên giếng được khơi và xây sửa lại.

Chức năng chính của giếng từ bao đời nay là để chứa và lấy nước sinh hoạt, có tại khắp các làng quê Việt Nam

Tuy nhiên, vị trí giếng Rồng lại nằm cách xa và không thuộc khu dân cư sinh sống. Theo các nguồn tư liệu, cụm công trình kiến trúc đền Trần được xây dựng tôn tạo lớn vào thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII – XIX. Theo đó, các sinh hoạt văn hóa đặc trưng như tế lễ, tổ chức lễ hội tại di tích cũng hình thành, tồn tại song song và đặc biệt phát triển mạnh vào thời Nguyễn. 

Từ đó chứng minh rằng công năng chính của giếng Rồng không phải để lấy nước sinh hoạt hàng ngày của người dân mà đó chính là nơi lấy “nước thiêng” phục vụ tế lễ trong lễ hội đền Trần vốn có từ xa xưa.

Việc phục dựng tu sửa lại khu vực giếng Rồng đã góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị di vật thời Trần cũng là điều kiện cần thiết để phục vụ nghi lễ rước nước, tế cá - một nghi lễ truyền thống lâu đời trong lễ hội đền Trần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem