Dân Việt

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ"

Nhật Minh - Vũ Phúc 14/07/2023 18:55 GMT+7
Người dân địa phương gọi ông Chế là "vua sáng chế" bởi không qua trường lớp chuyên môn, nhưng gần như yêu cầu của khách, ông đều đáp ứng. Đến nay bảng thành tích của ông kỹ sư nông dân chân đất này treo kín tường nhà.
"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 1.

Thật bất ngờ khi thăm xưởng sản xuất của ông Nguyễn Văn Chế (SN 1962) ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Bởi chỉ với trình độ văn hóa 7/10 và chưa một ngày qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí, nhưng ông có trong tay hàng loạt sáng chế khiến nhiều người phải trầm trồ, khen ngợi.

Đến với những sáng chế chỉ bằng tình yêu và niềm đam mê

Sinh ra và lớn lên ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương - một vùng nổi tiếng trồng hành vụ đông của tỉnh Hải Dương, trong gia đình nhà nông gồm sáu anh chị em, ông Chế bảo việc có đủ cơm ăn mỗi ngày là chuyện ngoài sức tưởng tượng chứ đừng nói đến việc đi học. Hết lớp 7, ông phải nghỉ học mưu sinh.

Cuộc sống đồng ruộng cơ cực, vất vả lại không có thu nhập khiến ông ngày đêm mong tìm cách thoát nghèo. Ông Chế mạo hiểm với nghề cơ khí trong khi không có vật liệu, tiền phải đi vay, kiến thức chuyên môn là con số 0, sản phẩm cũng chưa biết có ai mua nên vợ ông ra sức can ngăn. Lúc đó, ông chỉ nói: "Phải làm thì mới biết được".

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 2.

Bằng niềm đam mê cơ khí, sự kiên trì và ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Chế (tỉnh Hải Dương) đã sáng chế ra nhiều nông cụ hữu dụng, tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Ảnh: Vũ Phúc

Để thỏa niềm đam mê với nghề cơ khí, ban đầu, khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ông chỉ mua một chiếc máy hàn về, tranh thủ lúc nông nhàn để chế tạo nên những cái cuốc, cái cào phục vụ cho nghề nông của gia đình.

Hồi tưởng lại những ngày vất vả, "một nắng, hai sương" với thu nhập bấp bênh hơn 20 năm về trước, ông Chế kể: “Trồng cây hành rất vất vả. Có khi làm đất phải mất gần cả tháng trời. Nhiều lúc thời tiết không thuận, đến khi làm đất xong, bị muộn mất khung thời vụ dẫn đến năng suất và sản lượng mùa màng bị thấp”.

Thế rồi, chẳng bảo ai, ông tự mày mò, tạo ra các thiết bị đơn giản, nhưng rồi tất cả đều phải bỏ đi. Mỗi lần thất bại, ông đúc rút ra kinh nghiệm quý báu mà không sách vở nào dạy. Năm 2008, sáng chế đầu tiên đã thành công, đó là lưỡi cày tạo luống. Từ thực tế bà con làm nghề nông đến vụ trồng lúa, hành phải sử dụng trâu để làm đất, vất vả, năng suất không cao. Ông chế ra sản phẩm giúp bà con làm đất nhàn hơn.

Lưỡi cày nặng khoảng 20 kg thiết kế theo hình chữ V. Máy cày lật đất đi đến đâu, lưỡi cày làm đất sẽ tạo thành những luống đều nhau đến đó. Nếu như trước đây một tháng bà con mới hoàn thành vụ trồng màu, nay chỉ cần một tuần là xong, tiết kiệm rất nhiều chi phí.

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 3.

Lưỡi cày lên luống do ông Chế sáng chế.

Để chế máy cày tạo luống, lão nông Hải Dương đã trải qua rất nhiều thất bại, sửa đi sửa lại từ lúc còn trên bàn vẽ, đến thiết kế. Phải bỏ đi bao nhiêu sản phẩm làm thử, máy thử nghiệm nhiều lần chỉ chạy chứ không tạo thành luống khiến ông có ý định buông xuôi.

Sau nhiều đêm thức trắng, tự hàn xì, bắt ốc, điều chỉnh, lắp đặt máy cày tạo luống đã thành công khi chạy trên cánh đồng trước sự chứng kiến của bà con. Sản phẩm đã giành giải Nhì giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương năm 2008.

Chia sẻ về những sản phẩm do mình sáng chế, người nông dân 61 tuổi nở nụ cười thuần hậu: “Tôi cũng làm ruộng, trồng hành nên tôi thấm thía cái vất vả nhọc nhằn của người nông dân. Chính vì thế, tất cả những nông cụ tôi chế tạo đều hướng tới mục đích giảm nhân công, giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận từ sản xuất cho bà con. Sản phẩm mình làm ra được bà con tin dùng, tôi rất vui và tự nhủ sẽ không ngừng đổi mới, cải tiến kiểu dáng, hạ giá thành sản phẩm”.

Ông Chế chia sẻ: “Người dân quê tôi có truyền thống làm cây vụ đông từ lâu. Nhưng công đoạn làm đất lúc nào cũng rất vất vả do thời vụ cập rập. Nhiều năm trở lại đây, máy cày giúp người dân làm đất, vằm nhỏ, tuy nhiên sau đó vẫn phải dùng trâu cày luống, hoặc dùng sức người để kéo đất lên thành luống. Thế nhưng, việc thuê trâu, nhân lực khá khó khăn, giá thành cao. Với việc chế tạo thành công lưỡi cày làm luống này, tôi rất vui vì đã thiết thực giúp người nông dân đỡ vất vả hơn, chi phí giảm đi một nửa mà vẫn bảo đảm thời vụ trong làm đất vụ đông”.

Thực tế sản xuất trên đồng ruộng cho thấy, lưỡi cày làm luống do ông Nguyễn Văn Chế sáng chế đã mang lại hiệu quả lớn cho người dân giảm 50-60% chi phí làm đất, giảm nhân công, rút ngắn thời gian làm đất. Chính vì vậy, lưỡi cày lên luống đã được nông dân tại các tỉnh có phong trào làm vụ đông mạnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình.... biết đến, mua sử dụng ngày càng tăng. Đến nay, sản phẩm của ông đã có mặt trên 63 tỉnh thành cả nước với giá bán 1 triệu đồng/cái.

Trở thành “vua sáng chế”

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Chế làm việc trên xưởng cơ khí tại nhà, nơi ông không chỉ cho ra đời chiếc lưỡi cày lên luống mà còn nhiều sản phẩm nông cụ khác. Ảnh: Vũ Phúc

Từ chỗ là một nông dân chính hiệu, đến với cơ khí bằng sự đam mê, không ngừng tự học, tìm tòi, chế tạo, khi sản phẩm đầu tiên “ra lò” thành công, sự đón nhận của bà con nông dân đã thôi thúc ông tích cực tìm hiểu để tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm cũ cho năng suất, hiệu quả hơn.

Đến năm 2018, sản phẩm lưỡi cày lên luống đã được ông Chế cải tiến thêm công năng, hiệu suất. Nếu như trước kia, sản phẩm chỉ đơn thuần tạo luống, nay có thêm công năng làm đất tơi nhỏ, điều chỉnh được độ rộng và độ cao của luống đất. Sau khi làm xong, người dân có thể bón phân, tra hạt giống luôn, không phải mất thêm các công đoạn thủ công khác.

Tính đến nay, bên cạnh sản phẩm lưỡi cày lên luống đạt danh hiệu “Sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2014” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trao tặng, được bình chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018”, cá nhân ông đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2015, được tặng Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương (năm 2018), Bằng khen của Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam (năm 2013) cùng nhiều giấy chứng nhận khi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm về máy cơ khí nông nghiệp.

Làm được sản phẩm đầu tay giúp ông có động lực nghiên cứu chế tạo nhiều máy nông sản, như: máy rửa, thái, sàng hàng nông sản, phục vụ sau thu hoạch. "Mỗi lần làm máy mới là không ngủ vì phải tìm ra hướng đi mới, đáp ứng được yêu cầu của bà con", ông nói.

Máy sấy đang là sản phẩm được nhiều nơi đặt hàng nhất. Với thiết bị này, hàng nông sản sẽ không bị mọc mầm hoặc hỏng sau thu hoạch khi trời mưa kéo dài. Chiếc máy gồm bốn bộ phận là động cơ, bệ máy, bộ trục cánh, phần vỏ. Nhà sáng chế Hải Dương cho biết việc tạo và lắp cánh quạt sấy rất quan trọng, giúp giảm lượng tiêu thụ điện năng, máy không bị rung lắc và cho hiệu quả nhất.

"Chỉ trong ba tiếng, 10 tấn lúa sẽ được sấy khô như phơi nắng, nên vào mùa mưa bà con không lo lúa mọc mầm”, ông nói và cho biết sáng chế này đã được giải thưởng của Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8.

“Tôi rất muốn mở rộng sản xuất để nhiều nông dân được sử dụng máy móc với giá rẻ, nhưng cái khó bó cái khôn, đi vay ngân hàng thì người ta đòi phải có thế chấp. Nông dân như chúng tôi thực sự đang làm khoa học theo kiểu “tay không bắt giặc”, cố gắng duy trì sản xuất theo đơn đặt hàng của bà con đã là tốt lắm rồi” - ông Chế nói.

Không thể nói hết niềm vui của người nông dân Nam Trung khi từng sản phẩm sáng chế của ông Chế đã được ứng dụng vào sản xuất.

Gạt những giọt mồ hôi tuôn trên gương mặt sạm nắng trong lúc thu hoạch lúa mùa, ông Trần Văn Chiến, nông dân thôn Thụy Trà hồ hởi: “Bây giờ làm đất trồng hành nhàn hơn nhiều so với trước kia đấy. Như nhà tôi, 3 sào ruộng này nếu trước kia với sức trâu kéo cày, người cào, người cuốc thì phải mất 9 ngày mới làm đất xong. Thuê người làm thì hết 2,7 triệu đồng. Còn bây giờ, tôi thuê máy cày có lưỡi cày lên luống chỉ mất 1 ngày là làm xong, không cần thêm nhân công nào khác nữa. Tiền thuê máy chỉ hết 750.000 đồng”.

Ông Lê Công Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Nam Trung đánh giá: “Không riêng sản phẩm lưỡi cày lên luống mà nhiều sản phẩm khác của ông Chế như dao thái hành, tỏi hoặc một số sản phẩm khác đã giúp nông dân địa phương giảm công lao động, rút ngắn thời gian cho một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, qua đó đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân”.

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 6.

Với sự cống hiến xuất sắc cho tập thể, ông Nguyễn Văn Chế đã nhận được nhiều phần thường xứng đáng, trong đó có Giải C tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ III năm 2011. Ảnh: Vũ Phúc

Danh tiếng ngày càng bay xa, đến nay sản phẩm do xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Duy Chế đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện xưởng sản xuất của gia đình ông đã có thêm sản phẩm khác như máy sàng hạt, máy sấy nông sản… Sản phẩm sản xuất hoàn toàn theo đơn đặt hàng các nơi gửi về. Doanh thu mỗi năm của gia đình ông trung bình đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Với xưởng cơ khí của mình, ông Chế còn tạo việc làm cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Để “tiếp lửa” cho những người nông dân đam mê sáng chế, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hải Dương cũng có nhiều giải pháp đồng hành. Theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã quảng bá rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về phong trào thi đua lao động sáng tạo.

"Vua sáng chế" học hết lớp 7 và hàng loạt máy nông nghiệp "ngon, bổ, rẻ" - Ảnh 7.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).