Một ông nông dân An Giang sáng chế thủy phi cơ-tàu tốc hành đường thủy, cả làng phục lăn
Ai cũng phục lăn ông nông dân An Giang sáng chế chiếc "thủy phi cơ" độc nhất vô nhị miền Tây
Thứ tư, ngày 24/05/2023 05:10 AM (GMT+7)
Chiếc "thủy phi cơ", tàu tốc hành có lẽ là loại phương tiện thủy "độc nhất vô nhị" ở miền Tây nói riêng, cả nước nói chung, được chế tạo từ đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của một ông nông dân An Giang.
Người ta biết đến ông Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý, 61 tuổi, ngụ xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bằng cái tên “Vua cầu treo”.
Chưa học hết lớp 3, nhưng cả đời ông mày mò sáng tạo đủ thứ, từ thiết kế đến trực tiếp xây dựng nhà máy xay lúa, cầu treo nông thôn, sà lan, nhà cửa… Lúc 50 tuổi, ông ấp ủ ý tưởng làm chiếc tàu cao tốc mô hình thủy phi cơ. Mãi đến năm ngoái, ông mới có điều kiện thực hiện.
Điều kiện ấy là kinh phí và thời gian. Ông mải miết đi xây dựng các công trình an sinh xã hội ở nông thôn, vốn liếng tích cóp chắt chiu nhiều năm mới đủ dùng vào niềm đam mê sáng tạo riêng mình.
Chiếc tàu được thực hiện ròng rã nhiều tháng trời, tiêu tốn khoảng 250 triệu đồng. Riêng phần máy và hộp số, ông Sáu đã bỏ ra 130 triệu đồng.
Trước đây, ông thường xuyên di chuyển đến các tỉnh ĐBSCL để xây cầu. Chạy đường dài bằng xe Honda khiến ông rất mệt mỏi, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông nghĩ đến việc thiết kế tàu tốc hành có khả năng chứa nhiều người. Từng chi tiết trên tàu đều do ông nghiên cứu học hỏi, vẽ bản vẽ bằng tay trước khi chế tạo.
Điểm đặc biệt của chiếc "thủy phi cơ", tàu tốc hành đường thủy là hầu hết nguyên- vật liệu đều đã qua sử dụng, được ông gom chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Có thể chúng không thật đẹp mắt, cũ kỹ, nhưng lại tiện dụng và mang nét độc đáo rất nông dân, như tính cách hệch hạc của ông Sáu Quý.
Ông thiết kế 15 ghế ngồi, bao gồm 14 hành khách. Rất nhiều chi tiết trên con tàu đường thủy do ông “tham khảo” từ mô hình máy bay của Việt Nam Airline, sau khi ông có dịp đi máy bay ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (năm 2000).
Ông suy nghĩ, sắp xếp từng chi tiết máy móc theo cách thức đơn giản mà hiệu quả nhất, dễ thao tác trong quá trình điều khiển. Chỗ nào chưa ổn, ông lại tháo ra, thử cách khác, cho đến khi hài lòng mới thôi.
Chiếc "tàu bay đường thủy" hoàn thành vào đầu tháng 2/2023, dài 11m, rộng 1,6m, bằng chất liệu sắt và composite, được phủ màu xanh mát mắt. Lúc đầu, ông dán keo rất khó khăn, miếng dán chảy xệ, xấu xí. Ông dùng ít keo hơn, động tác thuần thục hơn để miếng dán “ăn” vào thân tàu.
Đồng thời, ông thiết kế các hệ thống thông gió, đèn chiếu sáng dọc theo tàu, đảm bảo bên trong tàu luôn thông thoáng, mát mẻ, đủ ánh sáng ở mọi thời tiết.
Phóng viên trở thành “vị khách” duy nhất trên chuyến hành trình ngắn vài chục mét ở khúc sông trước nhà ông Sáu. Tàu rẽ nước êm ái, nhanh chóng không thua gì các loại phương tiện thủy thông thường.
Tàu chạy bằng dầu, có thể đạt mức 55km/giờ. Bình quân, 1km di chuyển sẽ hao tốn 0,5l dầu. Từ lúc hoàn thành phương tiện đến giờ, ông chỉ chạy thử nghiệm quanh nơi ở, chưa thể đi xa, do chưa đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định.
Người dân gần đó đã quen mắt với chiếc tàu độc lạ, lai giữa tàu sông nước miền Tây Nam Bộ và chiếc máy bay kiêu hãnh của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
“Tôi dự định đem ý tưởng sáng tạo này đi thi ở cuộc thi khoa học- kỹ thuật cấp tỉnh trong thời gian gần nhất, để chiếc tàu được biết đến rộng rãi hơn. Tôi cũng sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật thực hiện với bà con nào yêu thích chúng. Nếu sử dụng chúng làm phương tiện tham quan, du lịch sông nước miệt vườn thì phù hợp vô cùng” – ông Sáu Quý chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.