CLIP: Nhiều hộ gia đình ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ có thu nhập cao nhờ trồng thanh long ruột tím. Clip: Hà Thanh
Đến thăm vườn thanh long ruột tím của gia đình anh Triệu Hữu Vy, người dân tộc Dao ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi vợ chồng anh đang thu hoạch những quả thanh long màu hồng, quả nào quả nấy đều tăm tắp, bổ ra ruột tím bắt mắt vô cùng hấp dẫn...
Năm nay, vườn thanh long ruột tím của gia đình anh Vy được mùa, cây nào cũng chi chít quả. Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Vy cho biết, anh là người đầu tiên đem giống thanh long ruột tím về trồng ở xóm Cao Phong, sau đó dần dần các hộ dân trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm và trồng với diện tích lớn.
"Nhờ thanh long, từ người phải phiêu bạt khắp nơi để làm thuê, nay gia đình tôi đã có kinh tế khá giả ngay trên mảnh đất quê hương", anh Vy bộc bạch.
Trước khi đến với mô hình trồng thanh long ruột tím như hiện nay, gia đình anh Vy từng trồng chè rồi trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2016, sau khi đi tham quan mô hình ở một số nơi, nhận thấy cây thanh long ruột tím cho hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định chuyển sang trồng loại quả này trên diện tích 1,1 ha của gia đình.
Theo anh Vy, thuận lợi của gia đình anh khi đến với mô hình này đó là khu vực nơi anh sinh sống có nguồn nước dồi dào nên chủ động được trong việc tưới tiêu.
Hiện nay, thanh long ruột tím được gia đình anh trồng theo hướng VietGAP chủ yếu bón phân hữu cơ nên chất lượng quả thơm, ngon và ngọt.
Giống thanh long gia đình anh Vy đang trồng là giống thanh long ruột tím nhập khẩu từ Malaysia về Việt Nam rồi được bà con nhân giống và phát triển tại Thái Bình.
Giống thanh long này có tính năng vượt trội như ra hoa khá mạnh và gần như ra quả quanh năm. Loại cây này rất dễ trồng, dễ chăm sóc.
Mỗi năm, cây thanh long ruột tím cho thu hoạch khoảng 4 lứa chính, thời điểm thu hoạch thường từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hằng năm.
Trung bình, mỗi gốc thanh long ruột tím sẽ cho sản lượng từ 10 – 15 kg quả/vụ. Như vậy, với 2.000 gốc thanh long ruột tím, gia đình anh Vy thu hoạch khoảng 20 tấn quả/vụ.
Anh Vy hiện đang là thành viên của Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Cao Phong với diện tích trồng thanh long lớn nhất.
Thời điểm này, thanh long ruột tím đang được gia đình anh với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng/năm.
Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Cao Phong có 11 hộ trồng thanh long ruột tím với tổng diện tích 5,3 ha. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 90 tấn mang về doanh thu trên 1,6 tỷ đồng năm 2022.
Thanh long ruột tím của Tổ hợp sản xuất được bán tại các chợ đầu mối và giao cho các tiểu thương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nên đảm bảo đầu ra ổn định. Sản phẩm khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Trong thời gian tới, Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Cao Phong dự định sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất và liên kết với hộ dân trong vùng để mở rộng quy mô lên 6 ha.
Với mô hình sản xuất thanh long như hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất này đang tạo công ăn việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập tương đối cao.
Ông Triệu Văn Đồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết: Địa bàn xã Hợp Tiến đa số là đồi núi, bà con nông dân phát triển kinh tế chủ yếu với nghề trồng rừng và trồng cây ăn quả.
Vài năm trở lại đây, mô hình trồng cây thanh long ruột tím được các cấp ngành địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân quan tâm, do đó Hội Nông dân xã Hợp Tiến đã thành lập được Tổ hợp tác sản xuất thanh long với 11 hộ thành viên.
Tổ hợp tác này đã được hỗ trợ về phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con, hàng năm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
"Hiện tại có một vài hộ cũng đang bắt đầu trồng và mở rộng diện tích, trong thời gian tới nếu mô hình này phát triển mạnh, Hội Nông dân xã sẽ tiến hành thành lập HTX", ông Đồng nói về hướng phát triển mô hình thanh long ruột tím tại địa phương.