Theo sách Danh nhân Hưng Yên, Đào Công Soạn (1376 -1456) là danh thần, nhà ngoại giao, nhà thơ nổi tiếng đời vua Lê Thái Tổ, làm quan đến chức thượng thư.
Gần 50 tuổi, Đào Công Soạn ứng thí và đỗ đầu bảng trong một kỳ thi đặc biệt để tuyển nhân tài. Đó là kỳ thi diễn ra giữa lúc cuộc chiến tranh chống giặc Minh xâm lược, giải phóng đất nước bước vào giai đoạn quyết liệt, chiến lược.
Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc đóng tại Gia Lâm để trực tiếp chỉ huy chiến tranh. Lúc này, giặc Minh do Vương Thông chỉ huy chưa chịu đầu hàng, cố thủ trong thành Đông Quan, chờ quân cứu viện.
Việc nước ngổn ngang, Lê Lợi đã có nhiều biện pháp để thu dụng nhân tài, trong đó có cuộc thi tuyển với đề tài đầy tính “thời sự”: “Bảng văn dụ thành Đông Quan đầu hàng rút quân về nước”. Ngay sau cuộc thi, Đào Công Soạn được bổ nhiệm chức An phủ sứ.
Làm quan trong triều, ông luôn chứng tỏ là nhà chính trị, ngoại giao có tài. Trong cuộc đời làm quan, ông được triều đình tin cẩn nhiều lần cử đi sứ nhà Minh, một công việc quan trọng liên quan thể diện quốc gia và đầy nguy hiểm, gian nan.
Sử sách ghi chép ông đã hoàn thành nhiệm vụ trong các lần được giao đi sứ, ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chủ quyền và độc lập dân tộc.
Nơi thờ tiến sỹ Đào Công Soạn ở xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).
Lịch sử bang giao của các vương triều phong kiến nước ta cho thấy, ngoại giao trong nhiều giai đoạn là một mặt trận đấu tranh không kém phần quyết liệt mà những vị quan lại được cử tiếp sứ hay đi sứ đều là những người “trí dũng song toàn”.
Không chỉ yêu nước, thông minh mẫn tiệp, uyên bác hơn người, các sứ thần còn dũng cảm vượt qua muôn vàn gian khổ trên đường đi sứ. Phải vượt hàng nghìn cây số đường sá mà vài trăm năm trước hẳn vô cùng hoang sơ, gập ghềnh, núi cách, sông ngăn, giữa thời tiết khi gió mưa, khi nắng cháy, trong thời gian đằng đẵng nhiều tháng trời.
Ấy vậy mà, tiến sỹ Đào Công Soạn từng đi sứ tới 3 lần, được các nhà sử học đánh giá là danh thần, đóng góp nhiều cho sự nghiệp ngoại giao của đất nước.
Năm 1429, ông là một trong những người được cử đi sứ nhà Minh đầu tiên của triều Lê với nhiệm vụ giải quyết hậu quả chiến tranh, duy trì hòa hiếu hai nước và đã hoàn thành sứ mệnh vua giao. Vài năm sau, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ đi sứ lần hai.
Về nước, ông đảm nhận nhiều trọng trách của triều đình như: Nhập nội hành khiển, Tri tam quán sự, Nhập thị Kinh diên.
Năm 1444, khi đã gần ở “tuổi xưa nay hiếm”, ông tiếp tục được tin tưởng cử đi sứ nhà Minh lần thứ ba. Trong lịch sử ngoại giao thời phong kiến, ít có sứ thần nào già như thế.
Chuyện đi sứ trong lịch sử vốn đầy nguy hiểm, gian nan, nhiều lúc liên quan trực tiếp tới sự an nguy của đất nước, chính vì vậy phải chọn những người hiền tài, những bề tôi tiết nghĩa, can trường mới có thể đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Chỉ riêng việc vượt ngàn dặm xa xôi để đến kinh đô nhà Minh và quay về nước trong điều kiện đường đi hiểm trở, hoang vu đã là thử thách với sức khỏe vị sứ thần gần 70 tuổi. Gian khó là thế, ông vẫn minh mẫn, làm tròn nhiệm vụ được ủy thác trở về.
Theo sách Danh nhân Hưng Yên, Đào Công Soạn là tiến sĩ thời chiến, văn, võ thực tài, trí dũng. Ông là một danh thần nổi tiếng về chính sự thời Lê, có tài văn học, tính ôn hòa, cần mẫn, được Lê Lợi và triều đình tín nhiệm.
Khi đã ngoài 70 tuổi, vua Lê còn cử ông lên Thái Nguyên giải quyết việc biên giới. Con ông là Đào Dung, cháu ông là Đào Nghiễm, Đào Phạm đều là những nhà khoa bảng, tên tuổi được ghi lại ở bia tiến sĩ Văn Miếu Hưng Yên.
Hàng trăm năm đã trôi qua cùng vật đổi, sao dời, giờ đây trên quê hương ông ở xã Thiện Phiến, nhà thờ họ Đào xây dựng từ thế kỷ 19 theo kiến trúc hình chữ nhất, qua nhiều lần trùng tu luôn dành gian trung tâm thờ Đào Công Soạn, người con đã làm rạng rỡ quê hương, đất nước.
Dưới mái ngói rêu phong của ngôi nhà thờ phảng phất dấu xưa, nếp cũ, còn đó những câu đối, đại tự, bi ký ca ngợi công lao, tài năng, đức độ của ông.
Đặc biệt là bức cuốn thư sơn son thiếp vàng chạm trổ quần long, tạc vảy rồng đề 6 chữ do vua Lê Thái Tổ ban tặng cho ông “Thanh liêm – công bằng – cần mẫn”...
Tôn vinh công trạng của Đào Công Soạn, hiện nay, tên ông dùng để đặt tên cho nhiều đường phố trong khắp cả nước, trong đó có thành phố Hưng Yên (Hưng Yên).