Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện vai trò, trách nhiệm "vì cả nước, cùng cả nước" của một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, y tế của vùng và cả nước.
Trong năm 2023, TP.HCM đã tổ chức 5 hội nghị hợp tác giữa TP.HCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Để triển khai Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, UBND TP.HCM đã tham mưu cho Thành ủy TP.HCM ban hành 2 chương trình hành động. Đồng thời, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy với 150 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định rõ cơ quan chủ trì và tiến độ triển khai, hoàn thành từng nội dung.
Trong đó, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ đã được hoàn thành và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7. TPHCM đã lập tổ công tác xây dựng đề án huy động nguồn lực, tổ chức xây dựng hoàn thành hệ thống metro với chiều dài 219km trước năm 2035. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng lập tổ nghiên cứu về TOD dọc các tuyến đường vành đai, metro.
Hiện TP đang tập trung công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng TP.HCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia.
Về cấp độ vùng, quy hoạch TP.HCM có vai trò đầu tàu kết nối nguồn lực trong vùng, phát triển các hành lang chiến lược, các cực tăng trưởng kinh tế trong vùng. Dựa trên các yếu tố đặc thù vùng, đặc biệt là thuận lợi về vị trí trung tâm, quy hoạch thành phố có vai trò tích hợp, thống nhất cho hạ tầng giao thông vùng, các chức năng nòng cốt nhằm thúc đẩy, phân bổ hài hòa các khu vực công nghiệp, dịch vụ, kể cả nông nghiệp.
Quy hoạch TP.HCM còn có vai trò tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận và tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ cho thành phố mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh. "Khi vùng phát triển thì TP.HCM cũng phát triển và ngược lại", ông Mãi nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng; Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng; thành lập Trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vùng hoặc quốc gia; xây dựng trung tâm dữ liệu quy hoạch và kinh tế - xã hội vùng.
Cùng với đó, ban hành cơ chế đặc thù vùng như Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP.HCM hoặc vượt trội hơn, nhất là các cơ chế về TOD, sử dụng ngân sách địa phương đầu tư phát triển vùng, thu hút nhà đầu tư chiến lược hay phân cấp - ủy quyền cho các địa phương trong vùng.
Chiều 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.
Theo đề xuất, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).
Việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.