Kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ như thế nào theo quy hoạch?
Kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ như thế nào theo quy hoạch?
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 18/07/2023 14:05 PM (GMT+7)
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải, nhưng mạng lưới giao thông cấp vùng Đông Nam bộ, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra ngày 18/7 tại TP.HCM.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải, thuận lợi trong kết nối, giao thương trong nước và quốc tế…, tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên cũng đặt ra những thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tuy được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đầu tư phát triển nhưng mạng lưới giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ. Các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM chưa hoàn chỉnh, tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 735.500 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 342.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần tiếp tục huy động chừng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, trong đó cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm với định hướng kết nối phát triển các đường sắt, đường bộ cao tốc kết nối với cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I, cảng hàng không quốc tế; hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển, cảng hàng không; hình thành các bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và phát triển các tuyến luồng thủy nội địa kết nối để gom và giải tỏa hàng cho cảng biển…
Theo ông Thắng, trong thời gian tới, về đường bộ sẽ tập trung hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.
Cụ thể như hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.
Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP HCM; nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với TP Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Về đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc...
Hàng hải sẽ nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp. Cùng với đó, kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn.
Ngoài ra, hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Hàng không sẽ đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm; nghiên cứu nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, Cảng hàng không Biên Hòa.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ. Ngoài việc sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, Hội đồng điều phối Vùng chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.
Đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98/2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.