Diễn biến bất lợi của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, và các động lực tăng trưởng của Bình Dương.
Đây là nhận định của UBND tỉnh Bình Dương đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023) khai ngày 20/7.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sản xuất công nghiệp, gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 15,1 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 10,7 tỷ USD, giảm 14,7%.
Theo UBND tỉnh, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn mới, khi đơn hàng giảm, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao.
Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền. Một số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác.
Tuy nhiên số doanh nghiệp giảm vốn, rời khỏi thị trường tăng cao trong khi số doanh nghiệp trong nước đăng ký mới giảm. 6 tháng đầu năm, Bình Dương thu hút 41.617 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh đầu tư trong nước (giảm 1,8% so với cùng kỳ).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá cả sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp trong thời gian dài. Một số hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi hạn chế tái đàn, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.
Tháng 3/2023, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Chi thị số 04 và nhiều văn bản chỉ đạo khác về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến hết ngày 30/6, giá trị giải ngân vốn đầu tư công Bình Dương đạt 5.286 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 30,4% kế hoạch) và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo ông Hà, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Công tác lập quy hoạch chung đô thị và quy hoạch vùng nông thôn còn chậm.
Thời gian qua, Bình Dương có hơn 80.000 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, chủ yếu tập trung ở ngành da giay, may mặc, chế biến gỗ.
Do người lao động bị ảnh hưởng việc làm, các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà trọ) cũng giảm công suất cho thuê phòng.
Giá cả một số mặt hàng thiết yếu gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng yếu thế. Điều này sẽ gây áp lực an sinh xã hội và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong thời gian tới.
Theo bà Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,76% là khá thấp.
Cùng với các chỉ tiêu phát triển kinh tế như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư kém tích cực đã cho thấy khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,5-8,7% trong năm nay là rất thách thức.
Để đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có sự nỗ lực, có nhiều giải pháp tích cực để thực hiện từ đây đến cuối năm 2023.