Tạo động lực để các khu công nghiệp Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư

Trần Khánh Thứ tư, ngày 12/07/2023 16:33 PM (GMT+7)
Quỹ đất hiện tại của các KCN Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Bình Dương đang nỗ lực tạo sức hút mới cho các KCN theo hướng chuyên biệt, thông minh để tiếp tục thu hút đầu tư
Bình luận 0

Đầu tư khu công nghiệp để thu hút FDI

Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam thuộc Tập đoàn Far Eastern – Đài Loan, được thống kê trong TOP 500 doanh nghiệp lớn toàn cầu. Tại Bình Dương, Far Eastern Polytex là doanh nghiệp có số vốn đầu tư lớn với hơn 1,37 tỷ USD, và hoạt động hiệu quả nhiều năm qua.

Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Bàu Bàng vào năm 2015, chuyên sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc. Ông Yeh Ming Yuh - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, ăm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch  Covid-19, công ty vẫn tin tưởng tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ USD.

Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam đầu tư nhà máy tại KCN Bàu Bàng, Bình Dương từ năm 2015 Ảnh: NVCC

Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam đầu tư nhà máy tại KCN Bàu Bàng, Bình Dương từ năm 2015 Ảnh: NVCC

Theo kế hoạch, Công ty sẽ đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất. Trong quý III/2023, Công ty sẽ đầu tư hơn 250 triệu USD nữa vào Bình Dương. Như vậy, sau lần thứ 3 tăng vốn, Polytex Far Eastern trở thành dự án có vốn FDI lớn nhất tại Bình Dương.

Là công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu, Tập đoàn P&G (Mỹ) hoạt động tại Bình Dương đã được 28 năm. Đến nay, P&G đã có 2 nhà máy và đã tạo ra khoảng 5.000 việc làm tại Bình Dương.

Bà Priyamvada Srivastava - Tổng giám đốc P&G Việt Nam cho biết, P&G sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 100 triệu USD vào Bình Dương để mở rộng dây chuyền sản xuất, và thu hút thêm khoảng 150 lao động.

P&G đang xem xét mở rộng năng lực sản xuất, và đưa công nghệ sản xuất tiên tiến nhất vào thị trường Việt Nam, trong đó có những công nghệ hiện đại chỉ có tại các thị trường phát triển như Mỹ, Đức.

Viêc này hướng đến mục tiêu đưa nhà máy tại Bình Dương vào top 3 thị trường sản xuất một số sản phẩm của Tập đoàn, bà Priyamvada chia sẻ.

Nhà máy P&G Bình Dương đặt tại KCN VSIP 2. Ảnh: T.L

Nhà máy P&G Bình Dương đặt tại KCN VSIP 2. Ảnh: T.L

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Bình Dương đã tập trung nhiều nguồn lực để kết nối giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các KCN. Việc nỗ lưc đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp giúp Bình Dương thu hút được nhiều dự án FDI lớn.

Bình Dương hiện có 4.120 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD. Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP. HCM.

Tuy vậy, phải nhìn nhận đến nay, vốn đầu tư vào các KCN Bình Dương chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chứ chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, châu Âu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2023, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư và góp vốn vào Bình Dương. Trong đó, dự án đầu tư mới, có quy mô lớn nhất thuộc về Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), với vốn đầu tư hơn 163 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký.

Vì thế tính đến nay, chỉ có dự án của Lego (Đan Mạch) 1,3 tỷ USD là một dấu son đáng kể nhất trong dòng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương. Bình Dương cần thêm nhiều doanh nghiệp danh tiếng như thế để tăng thêm uy tín của KCN Bình Dương đối với các nhà đầu tư.

Tăng cường sức hút cho các khu công nghiệp Bình Dương

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, các KCN đã cho thuê 31ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ 30% so với kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, các KCN Bình Dương đã cho thuê 6.919ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy gần 91%.

Để thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, các chuyên gia cho rằng, không chỉ các KCN quy mô lớn, Bình Dương còn phải làm tốt nhiều yếu tố về hạ tầng giao thông, logistics, thủ tục hành chính, cũng như chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cho các ngành công nghệ cao. Bởi vì, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các KCN Bình Dương là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, giảm thâm dụng lao động.

Nhà máy sản xuất Lego được xây dựng ở KCN VSIP 3 với tổng số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Ảnh: T.L

Nhà máy sản xuất Lego được xây dựng ở KCN VSIP 3 với tổng số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Ảnh: T.L

Đến nay Bình Dương có 29 KCN tập trung. Trong số đó, KCN VSIP được xem là mô hình KCN thành công nhất. Đến nay, KCN VSIP đã nhân rộng ra 9 tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Phú Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP cho biết, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đòi hỏi rất cao về chất lượng hạ tầng và dịch vụ đi kèm.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn đầu tư ngày càng chất lượng hơn, VSIP Group đang tiếp tục mở rộng thêm các KCN mới để đón thêm "đại bàng", hướng tới các tiêu chuẩn bền vững, nâng tầm phát triển của mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững, điển hình như VSIP 3.

Ông Nguyễn Trung Tín - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Theo quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ 2021-2030, đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh có 46 KCN với tổng diện tích 24.338ha.

Dự kiến, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Tín, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình "3 trong 1" (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ), với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN. Bình Dương cũng tích cực hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.

KCN VSIP được xem là mô hình KCN thành công nhất ở BÌnh Dương. Ảnh: Trần Khánh

KCN VSIP được xem là mô hình KCN thành công nhất ở BÌnh Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ban Quản lý các KCN tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCN năm 2023 đạt khoảng 1,2-1,3 tỷ USD vốn FDI, và 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400ha tại huyện Bàu Bàng, và các thủ tục mở rộng các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường.

Đồng thời, Bình Dương nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương.

Theo ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua Bình Dương là 1 trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, cũng như thu hút vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, lợi thế trong thời gian qua sẽ mất đi, Bình Dương sẽ bị tụt hậu nếu không tạo sức hút mới để các KCN, không có giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư FDI.

Năm 2023, Bình Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng KCN. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, KCN công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem