Dân Việt

Giá cà phê hôm nay 20/7: Giá cà phê thế giới diễn biến bất ngờ, giá cà phê trong nước tăng vọt

Nguyễn Phương 20/07/2023 14:10 GMT+7
Giá cà phê hôm nay 20/7: Hoạt động của giới đầu cơ trên hai sàn dường như ngược lại với phiên hôm qua đã khiến giá cà phê Robusta kỳ hạn sàn London tăng vọt. Trong nước, giá cà phê hôm nay tăng tới 1.300 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch cao nhất là 66.900 đồng/kg, được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông...

Giá cà phê hôm nay 20/7: Giá cà phê trong nước tăng vọt, tiến sát ngưỡng 67.000 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng vọt. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 72 USD, lên 2.604 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 45 USD, lên 2.438 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 0,80 cent, xuống 155,50 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,60 cent, còn 155,85 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê hôm nay 20/7: Giá cà phê thế giới diễn biến bất ngờ, cà phê trong nước tăng vọt - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 20/07/2023 lúc 13:00:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê hôm nay 20/7: Giá cà phê thế giới diễn biến bất ngờ, cà phê trong nước tăng vọt - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 20/07/2023 lúc 13:00:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê hôm nay 20/7: Giá cà phê thế giới diễn biến bất ngờ, cà phê trong nước tăng vọt - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng tới 1.300 đồng, lên dao động trong khung 66.100 - 66.900 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng tới 1.300 đồng, lên dao động trong khung 66.100 - 66.900 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.100 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai 66.500 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 66.700 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Giá cà phê hai sàn duy trì xu hướng trái chiều nhưng ngược lại với phiên hôm qua. Trong khi giá cà phê Arabica ở New York giảm do áp lực bán hàng vụ mới hiện đang thu hoạch ở Brazil, giá cà phê Robusta tại London bật tăng mạnh mẽ nhưng không ngoài suy đoán của thị trường sau khi cấu trúc giá nghịch đảo giữa hai kỳ hạn gần nhất bị đẩy lên cao ngất ngưởng, một tín hiệu cho thấy nhu cầu hàng giao ngay hiện rất căng thẳng. 

Báo cáo tồn kho ICE – London tính đến hôm qua ngày 18/7 đã giảm thêm 1.790 tấn, tức giảm 3,28% so với ngày trước đó, xuống đăng ký ở mức 52.750 tấn (khoảng 879.167 bao, bao 60 kg), mức thấp kể từ năm 2016, cho dù phần lớn cà phê hiện nay được bán trực tiếp cho thị trường tiêu thụ mà không qua sàn.

Góp thêm phần đẩy giá London phiên vừa qua tăng vọt là dữ liệu báo cáo sơ bộ xuất khẩu nửa đầu tháng 7 của Hải quan Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Theo báo cáo, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 7 chỉ đạt 31.607 tấn (khoảng 526.783 bao), đưa xuất khẩu cà phê 6,5 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 1.037.866 tấn, giảm 3,64% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng sử dụng Robusta nhiều hơn để phối trộn rang xay nhằm hạ giá thành sản xuất trong khi lạm phát toàn cầu vẫn còn ở mức cao.

Thị trường lại dấy lên nối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn

Có thông tin cho rằng, bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu bao cà phê (1 bao là 60kg), riêng trong nửa đầu tháng 7 chỉ xuất khẩu hơn 500 nghìn bao, một con số hết sức bất ngờ khiến thị trường lại dấy lên nối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn...

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Lũy kế 9 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2022-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt tổng cộng 1,44 triệu tấn (khoảng hơn 24 triệu bao), với kim ngạch 3,38 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 6,6% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê Robusta có giá rẻ hơn so với cà phê Arabia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao tại hầu hết nền kinh tế lớn.

Các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu hướng này và mua cà phê Robusta nhiều hơn để phối trộn với cà phê Arabica nhằm giảm giá sản phẩm cà phê xuống mức thấp có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, nguồn cung cà phê toàn cầu được Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. ICO cho biết, sản lượng cà phê Robusta dự kiến giảm 2,1% trong niên vụ hiện tại xuống còn 72,7 triệu bao, trong khi Arabica tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao.

Chính điều này đã đẩy giá cà phê nội địa và xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp phá các kỷ lục trong những tháng gần đây.

Trong tháng 6, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đạt cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây với bình quân 2.682 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.374 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Vicofa dự báo, lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do lượng tồn kho dần cạn, chủ yếu nằm trong các nhà xuất khẩu FDI. Đà tăng giá cà phê sẽ chững lại trong thời gian tới dù hàng không còn. Hiện nay giá đã ở mức cao và đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua.

Các công thức phân NPK hỗn hợp phù hợp với yêu cầu của cây cà phê ở từng giai đoạn

– Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Từ khi trồng mới đến năm thứ 3 sau trồng: Dùng các loại phân NPK có thành phần đạm và lân cao như loại NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15 để bón trong mùa mưa, trong mùa khô bón loại phân tan nhanh như NPK 20-5-6.

– Giai đoạn kinh doanh: Lúc cây cà phê đã cho nhiều quả, dùng các loại phân NPK có thành phần N và K cao, lân thấp như NPK 16-8-16 hoặc 25-10-20 để bón trong mùa mưa, mùa khô cũng dùng loại phân tan nhanh NPK 20-5-6 để bón.

Ngoài các yếu tố đa lượng là phân đạm, phân lân, phân kali, cây cà phê còn cần các chất trung lượng là lưu huỳnh, can xi, ma nhê và các chất vi lượng như bo, kẽm, đồng…