Ngày 21/7, Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam, Đại học Đông Á phân hiệu Đắk Lắk và Đại học Tây Nguyên phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề "Bệnh hại thực vật Việt Nam" lần thứ 22.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 130 đại biểu đến từ các sở ngành tỉnh Đắk Lắk, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các chi hội thuộc Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam, các viện nghiên cứu, các trường đại học, giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, ngành nông nghiệp trong cả nước...
Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, chiếm 94,8%. Ngoài cà phê thì một số cây ăn quả, sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm 81,9% sản lượng, chanh leo có sản lượng lớn nhất cả nước, chiếm trên 70% diện tích…
Quá trình sản xuất còn phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, hạt giống, thức ăn chăn nuôi... nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều sâu bệnh hại như tuyến trùng hại cà phê, bệnh chết nhanh trên cây tiêu, nấm bệnh gây hại trên nhiều đối tượng như sầu riêng, cà chua, ớt, dưa leo…còn chưa chữa trị được kịp thời.
Chính vì vậy, Hội thảo Quốc gia với chủ đề "Bệnh hại thực vật Việt Nam" nhằm đưa ra các biện pháp phòng trừ theo hướng bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng như phân bón hữu cơ, hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn và chất lượng.
"Với mong muốn làm giảm bớt trăn trở của bà con nông dân, nông thôn, xây một cầu nối giữa các nhà khoa học với nông dân tại trang trại để cùng đóng góp vào công cuộc hóa mảnh đất này thành một Hà Lan hay Israel trong mai sau, Trường Đại học Đông Á dự kiến nghiên cứu các chế phẩm bảo vệ bệnh hại thực vật ở cây tiêu, cây cà phê, cây sầu riêng… Đồng thời lập nhà máy gia công chế biến thực phẩm, mở trang trại thực nghiệp để có điều kiện cho các nhà khoa học làm thực nghiệm khi đưa ra mô hình và nhân đại trà…", TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Đại học Đông Á chia sẻ tại Hội thảo.
Tại hội thảo, 11 báo cáo khoa học trình bày là những góc nhìn chuyên môn sâu, những chia sẻ kết quả nghiên cứu về bệnh hại thực vật, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực vật và tối ưu hóa năng suất cây trồng.
Trong đó có các tham luận về Triển vọng quản lí bền vững bệnh hại thực vật; Giống kháng bệnh trong kỷ nguyên omics; Ứng dụng vi sinh vật trong quản lí tuyến trùng; Phát triển và ứng dụng hệ thống chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 nhằm nâng cao tính kháng bệnh phấn trắng trên cây đậu tương; Bệnh héo rũ Panama trên chuối ở Việt Nam và định hướng nghiên cứu…
GS.TS Vũ Triệu Mân – Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam cho biết, Hội thảo khoa học là không gian trao đổi kiến thức, chia sẻ sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao thuộc lĩnh vực bệnh hại thực vật tại Việt Nam.
Đây cũng là diễn đàn phát triển các hợp tác đa phương trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, đóng góp nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Được biết, nằm trong khuôn khổ chương trình hội thảo, trong 2 ngày 22 và 23/7, các thành viên Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam cũng sẽ có chuyến tham quan khảo sát thực địa, mô hình canh tác vườn tại địa phương.
Năm 2023, Đại học Đông Á Phân hiệu Đắk Lắk tuyển sinh và đào tạo 21 ngành học, dành hơn 700 suất học bổng tài năng và khuyến học cho tân sinh viên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Công nghệ thực phẩm và Nông nghiệp là hai trong số các ngành học sở hữu quy mô về xưởng thực hành hiện đại, đội ngũ giảng huấn là các tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo từ các nước ưu thế về công nghệ cao cùng chính sách học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên.