Thời tiết nồm ẩm mưa nhiều, sâu, bệnh hại trên lúa gia tăng, lãnh đạo UBND một số tỉnh ra văn bản chỉ đạo

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 15/04/2023 08:58 AM (GMT+7)
Thời tiết từ đầu tháng 4 tới nay liên tục có mưa phùn, nồm ẩm, độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện cho các đối tượng sâu, bệnh hại, đặc biệt xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại trên lúa. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND một số tỉnh đã ra văn bản yêu cầu tập trung phòng, chống sâu, bệnh hại trên cây lúa.
Bình luận 0

Thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều, cảnh báo sâu, bệnh trên lúa sẽ xuất hiện nhiều

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, tổng diện tích gieo trồng vụ lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 ở các tỉnh phía Bắc hơn 709.000 ha. Trong đó, trà xuân sớm hơn 41.100 ha (đang ở giai đoạn phát triển đòng - trỗ). Trà chính vụ hơn 281.600 ha (giai đoạn đứng cái – làm đòng). Trà xuân muộn hơn 386.700 ha (giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ).

Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng sinh vật hại chính như bệnh đạo ôn lá, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, chuột... có diện phân bố hẹp và mức độ hại thấp hơn so vụ đông xuân 2021 - 2022. Riêng đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 có mật độ và diện tích phân bố cao hơn so với vụ đông xuân 2021 - 2022.

Về tình hình sinh vật gây hại chính trên lúa, Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, sâu đục thân và bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột… tiếp tục gây hại tăng từ nay đến cuối vụ.

Thời tiết ẩm, mưa nhiều làm sâu, bệnh hại trên lúa gia tăng, lãnh đạo UBND một số tỉnh ra văn bản chỉ đạo - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Nam Định phun thuốc trừ sâu cho cây lúa. Ảnh: Mai Chiến

Tại tỉnh Thái Bình, theo báo cáo của Sở NNPTNT, thời tiết từ đầu tháng 4 tới nay liên tục có mưa phùn, độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện cho các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh gây hại trên cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn gây hại trên lúa. Dự báo những ngày tới trời tiếp tục âm u, nhiều mây, có mưa, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông gây hại trên các giống lúa nhiễm bệnh.

Để phòng cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất lúa do bệnh đạo ông gây ra, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, bón phân Kali cho lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng; khuyến cáo nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa nhiễm bệnh (Nếp địa phương, Q5, TBR225, BC15, Thiên ưu 8...) khi bệnh mới phát sinh; phun phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông cho trà lúa trỗ bông trước ngày 5/5.

Tại tỉnh Hòa Bình, thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện một số địa phương như: Kim Bôi, Lạc Thủy, TP Hòa Bình bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại, tỷ lệ phổ biến 1-3% số lá, cục bộ gây lụi từng bụi, từng chòm.

Để chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình hướng dẫn nông dân với những ruộng lúa bị bệnh, cần giữ đủ nước, dừng bón phân đạm, các chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá có chứa đạm. Khi lúa bị bệnh có thể sử dụng một trong các thuốc như: Amistar Top® 325SC; Fuji-One 40EC, 40WP; Chubeca 1.8SL; Antracol 70WP; Flintpro 648 WG,... hoặc các thuốc khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký trừ bệnh đạo ôn hại lúa, phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Với những ruộng bị nặng, phun lại lần 2 sau lần 1 từ 2-3 ngày.

Với những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá; những nơi cấy các giống nhiễm (BC15, TBR 225, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, nếp…) cần phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ và phun lại lần 2 khi lúa trỗ đều (sau lần 1 khoảng 7 ngày) bằng một trong các loại thuốc nêu trên.

Giai đoạn quyết định thành công vụ lúa đông xuân

Thời tiết giai đoạn lúa vụ xuân trỗ bông thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng đối với lúa vụ xuân 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ đạo ôn trên lúa.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát đồng ruộng, kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: Thái Xuyên 111, ADI 168, VNR20, BQ, Hương Bình, ND502, LP5, QP5... và các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thời tiết ẩm, mưa nhiều làm sâu, bệnh hại trên lúa gia tăng, lãnh đạo UBND một số tỉnh ra văn bản chỉ đạo - Ảnh 2.

Hiện nay, bệnh đạo ôn đang có xu hướng phát sinh, gây hại tăng tại một số địa phương. Ảnh: Bình Minh

Cũng tại Hội nghị “Triển khai công tác phòng chống sinh vật gây hại chính trên lúa giai đoạn cuối vụ đông xuân 2022 - 2023 các tỉnh phía Bắc”, ngày 14/4, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, từ đầu vụ đông xuân đến nay, thời tiết không thuận lợi cho hoạt động sản xuất lúa. Thời điểm đầu vụ xảy ra tình trạng khô, thiếu nước nên quá trình xuống giống gặp nhiều khó khăn. Đến hiện tại, thời tiết mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Một số địa phương mật độ nhiễm đạo ôn lá, sâu cuốn lá… ở mức độ cao hơn so với TBNN. Có địa phương đã phải chỉ đạo phòng trừ tới 2 lần.

Từ nay tới cuối vụ, tình hình thời tiết tiếp tục không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng lại rất thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển. Đặc biệt, trong thời gian từ 5 - 15/5 là thời điểm trỗ tập trung của trà chính vụ và trà muộn, theo dự báo, thời gian này cũng sẽ xảy từ 4 - 6 đợt rét muộn (rét Nàng Bân). Do đó, theo nhận định, đây sẽ là thời điểm nguy hiểm cho cây lúa ở các tỉnh phía Bắc. Bởi điều kiện thời tiết như vậy sẽ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát triển. Nếu các địa phương không chỉ đạo phòng trừ kịp thời thì bệnh rất dễ lây lan trên diện rộng, đe dọa trực tiếp tới năng suất, sản lượng lúa.

Ông Dương cho biết, "từ nay tới cuối vụ sẽ là giai đoạn quyết định thành công của vụ lúa đông xuân". Do đó, Chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc cần tăng cường cắt cử cán bộ kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, nhất là các điểm hàng năm thường xuyên xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn với mật độ cao; kết hợp theo dõi diễn biến của thời tiết, sinh trưởng cây trồng. Từ đó, nhận định chính xác, đưa ra dự tính, dự báo kịp thời về khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của các loại sâu bệnh hại, để chỉ đạo phòng trừ hiệu quả.

Thời gian vừa qua, Cục BVTV đã phối hợp với một số địa phương phía Bắc tiến hành lấy mẫu giám sát lưu hành virus lùn sọc đen hại lúa trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy, tỉ lệ mẫu rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh) mang virus lùn sọc đen xấp xỉ 6% số mẫu rầy mang virus. Đây là điều đáng báo động đối với lúa vụ đông xuân. Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ rầy mang virus lùn sọc đen rất thấp, nhất là trong vụ đông xuân. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh lùn sọc đen, đặc biệt ở giai đoạn cuối vụ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem