Trong 2 ngày 20 và 21/7, tại Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm". Diễn đàn nhằm mục đích tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo hướng tuần hoàn.
Nuôi lợn theo mô hình tuần hoàn, thịt thơm ngon, dễ bán
Theo báo cáo đề dẫn diễn đàn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng của Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đề ra.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã giúp nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ trồng trọt (như trồng cỏ, trồng ngô sinh khối,...) làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, trồng lúa, rau hữu cơ…
Việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn trong thời gian qua trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như triển khai mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn 6 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai với quy mô 2.700 lợn thịt.
Mô hình này đã áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, nhờ vậy đàn lợn có sức đề kháng tốt, không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nuôi sống 100%, trong khi đàn lợn của các hộ xung quanh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với tỷ lệ cao.
Việc xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã tiết kiệm được 1.387 lít nước/con lợn, còn chất thải chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng (lúa, ngô, đậu tương) rồi quay trở lại làm nguồn thức ăn cung cấp cho lợn, tạo ra vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.
Do kiểm soát được con giống, thức ăn và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ nên chất lượng thịt lợn trong mô hình thơm ngon, được thị trường chấp nhận. Sản phẩm chăn nuôi của mô hình một phần được Tập đoàn Quế Lâm trực tiếp thu mua, chế biến tiêu thụ, phần còn lại đều được các HTX, hộ dân trực tiếp tiêu thụ với giá bán cao hơn thịt lợn chăn nuôi đại trà từ 25 - 30% tùy từng thời điểm.
Nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị tham dự đã trình bày tham luận liên quan đến các giải pháp giúp phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi tuần hoàn.
Tham luận về định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã chỉ rõ, sản xuất nông nghiệp cần phải xác định, lựa chọn những hướng đi đúng đắn, khai thác tối đa các lợi thế so sánh để phát triển theo chiều sâu, khẳng định giá trị và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Tham luận về phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, đại diện Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam khẳng định, sản phẩm thịt lợn hướng hữu cơ khi đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng nhiệt tình hưởng ứng. Khả năng sinh trưởng, hiệu quả chuyển hóa thức ăn của lợn nuôi theo hướng hữu cơ tương đương với lợn nuôi công nghiệp, trong khi đầu ra của sản phẩm trong chuỗi có giá bán ổn định.
Thông qua mô hình đã góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi lợn đã giúp giảm tình trạng dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ chăn nuôi.
Cũng tại diễn đàn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng tích cực, chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi tuần hoàn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền. Cùng với đó, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, an toàn…; quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.