Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Việt Nam có thể xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo?
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo?
Minh Huệ (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 15:40 PM (GMT+7)
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo chắc chắn tác động rất lớn đến thị trường gạo thế giới, vì đây là thị trường chiếm tới hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Động thái này sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của toàn thị trường, kéo theo giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo dừng xuất khẩu gạo không phải loại Basmati (loại gạo phổ biến ở Nam Á). Động thái nhằm bình ổn giá gạo trong nước, thông báo có hiệu lực lập tức từ 20/7.
Ấn Độ chỉ được phép xuất khẩu gạo dựa trên yêu cầu của chính phủ, hoặc giới chức nước khác nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo thông tin chính phủ, quyết định này tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Xung quanh vấn đề này, ngày 21/7, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Dân Việt.
Thưa ông, ngày 20/7, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (gạo tẻ thường), ngoại trừ gạo Basmati. Động thái này sẽ có tác động như thế nào tới giá gạo trên thị trường thế giới nói chung, cũng như giá gạo tại thị trường Việt Nam nói riêng?
- Tôi cho rằng động thái này chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến thị trường gạo thế giới, vì Ấn Độ là nước chiếm tới hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của toàn thị trường, kéo theo giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008 khi có thời điểm giá gạo lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất gắn với thị trường, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp chốt thời điểm kí hợp đồng với giá phù hợp để đem lại giá trị cao cho hạt gạo Việt Nam, cũng như tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, nhất là nông dân trồng lúa.
Chắc chắn việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trừ gạo Basmati sẽ thành "địa chấn" trên thị trường gạo thế giới, theo quy luật thiếu hụt cung cầu sẽ dẫn đến biến động về giá cả.
Trước dự báo giá gạo xuất khẩu có thể tăng cao, theo ông chúng ta nên tận dụng cơ hội này như thế nào? Ước tính năng lực xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2023 ra sao thưa ông?
- Quan điểm của Cục Trồng trọt là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu khoảng trên 6,6 triệu tấn. Với con số này sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực trong nước. Luỹ kế đến trung tuần tháng 3/2023, cả nước đã thu hoạch được hơn 9,1 triệu tấn lúa, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải khuyến cáo các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thị trường để kí hợp đồng đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa. Đặc biệt, nên cẩn trọng trong việc thương thảo kí kết hợp đồng, không nên kí hợp đồng khi mà trong kho không còn lúa gạo dự trữ.
Về chiến lược dài hạn, chính sách phát triển sản xuất lúa trong giai đoạn tới như thế nào thưa ông để phù hợp với bối cảnh thế giới đặc biệt quan tâm tới vấn đề an ninh lương thực?
- Về lâu dài, chúng ta vẫn không thể tăng diện tích trồng lúa mà chỉ gia tăng về sản lượng, giá trị hạt gạo. Đó là quy luật tất yếu của xu thế phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nhưng chúng ta có thuận lợi, là giá lúa gạo tăng cao sẽ giúp bà con nông dân đảm bảo lợi nhuận, tạo động lực cho bà con tiếp tục gắn bó và đầu tư lâu dài cho nghề trồng lúa.
Bên cạnh đó, cũng tạo động lực cho Việt Nam triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, theo đó, ngành nông nghiệp sẽ cân đối diện tích sản xuất lúa gạo, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và nông dân trồng lúa. Để đảm bảo ổn định sản lượng xuất khẩu gạo thì đương nhiên, phía doanh nghiệp sẽ phải có liên kết chặt chẽ hơn với người trồng lúa chứ không thể giữ mãi tư duy buôn chuyến.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101 nghìn tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngày với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm: Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm Thông báo; Các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp;
Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi Thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm Thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023; Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu An ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.