Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1009/QĐ-BGTVT ngày 26/07/2022, Ban quản lý dự án Đường sắt được giao làm chủ đầu tư.
Dự án được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng). Dự án được chia làm 2 gói thầu gồm: Gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-01); Gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-02).
Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiến hành ký hợp đồng xây lắp Gói thầu XL-CĐ-02 ngày 27/06/2023 với liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – Công ty cổ phần cầu 14 – Công ty TNHH thiết bị xây dựng Nam Anh. Gói thầu XL-CĐ-01 dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết Hợp đồng trong qúy III/2023.
Thông tin về dự án này, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết: "Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy".
Theo ông Phương dự án sẽ đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc TP.Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.
"Dự án còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050", ông Phương nêu rõ.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ GTVT đã tập trung triển khai và là bộ chuyên ngành đầu tiên hoàn thành tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch ngành quốc gia.
Hiện nay, khu vực phía Bắc có 3 hành lang vận tải thủy nội địa chính, trong đó hành lang số 1 qua sông Đuống từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, luồng tàu đạt cấp II, các cầu vượt sông cơ bản đã được đầu tư bảo đảm tĩnh không đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trên hành lang này là Cầu Đuống do tĩnh không thông thuyền thấp, gây tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải, trong khi phương thức vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải rẻ và an toàn nhất.
"Với thực trạng nêu trên và nguy cơ mất an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khu vực cầu Đuống, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 làm cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống", ông Huy nêu rõ.
Theo ông Huy, sau một thời gian tích cực chuẩn bị đầu tư, triển khai thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, thiết kế bản vẽ thi công, để đến hôm nay chúng ta tổ chức lễ ra quân thi công Dự án.
Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Huy yêu cầu Ban QLDA đường sắt với vai trò Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Dồng thời, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, Ban QLDA đường sắt rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án vừa qua và phát huy những thành quả đã đạt được. Ban QLDA Đường sắt cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Thứ trưởng Huy đề nghị các bộ ngành liên quan, UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA đường sắt, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để dhủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.