Cứ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, trên những cánh rừng bạt ngàn của miền biên ải Xứ Lạng, thân cây rau ngót rừng lại mọc ra chi chít những chùm hoa nhỏ. Đây cũng là lúc, người dân lên rừng thu hái về chế biến thành những món ngon, trong đó không thể thiếu xôi hoa rau ngót rừng.
Chị Đinh Phương Nhung, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn là một trong những người có kinh nghiệm nấu món xôi này, chị cho biết: Hoa rau ngót rừng nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, cứ đến mùa hoa rau ngót rừng, tôi lại tìm mua để mang về làm xôi. Trước đây, tôi thường chỉ làm xôi để phục vụ nhu cầu của gia đình nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi bắt đầu làm xôi hoa rau ngót rừng để bán. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 8 kg xôi thành phẩm, chia thành 20 hộp, mỗi hộp, tôi bán với giá 60 nghìn đồng.
Không phức tạp như xôi lá cẩm hay xôi ngũ sắc, xôi hoa rau ngót rừng có cách làm khá đơn giản với những nguyên liệu hết sức dân dã, bình dị như: gạo nếp, hoa rau ngót rừng và thịt lợn. Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn nguyên liệu thì xôi sẽ không có được hương vị thơm ngon, đậm đà.
Theo đó, gạo dùng để làm xôi ngon nhất là gạo nếp nương Tràng Định. Hạt gạo phải to, tròn, bóng mẩy. Loại gạo này không chỉ nổi tiếng thơm ngon mà khi đồ lên hạt gạo rất mềm, không bị nát và dù có để qua 1 ngày vẫn giữ được độ dẻo. Trước khi chế biến, gạo nếp được ngâm với nước khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ. Sau đó, người làm cho thêm một chút muối, trộn đều cùng với gạo để khi chín xôi sẽ có vị đậm đà. Tiếp đó, người làm cho gạo vào chõ và mang lên bếp đồ trong khoảng 30 phút. Trước khi đồ, người làm xôi phải dùng đũa tạo thành các lỗ thông hơi trên bề mặt gạo đều giúp cho hạt nếp chín kĩ hơn.
Nguyên liệu chính tạo nên sự độc đáo, mới là của món xôi này là hoa rau ngót rừng. Vì vậy, để xôi đảm bảo được hương vị và không bị xơ, cứng khi thưởng thức, người chế biến cần chọn được hoa tươi. Sau đó, người làm sẽ đem hoa rửa sạch, cắt nhỏ. Còn đối với thịt lợn để làm xôi, người chế biến cần chọn loại thịt nạc vai và đem băm nhỏ.
Sau khi đã hoàn thành các bước sơ chế nguyên liệu, người làm xôi tiến hành công đoạn xào thịt lợn với hoa rau ngót rừng. Để tạo hương thơm, trước khi xào, cần phi hành khô. Tiếp đó, thịt được cho vào đảo đến khi săn lại và nêm gia vị. Sau cùng, người chế biến sẽ cho hoa rau ngót rừng vào đảo đều cùng với thịt đến khi chín. Thông thường, công đoạn này sẽ mất khoảng 15 đến 20 phút.
Khi xôi đã chín, người chế biến sẽ tiến hành đổ xôi ra chậu sạch hoặc mẹt tre để đảo tơi và cho phần thịt xào cùng với hoa rau ngót rừng vào trộn đều. Tiếp đó, xôi hoa rau ngót rừng tiếp tục được cho vào chõ đồ trên bếp lửa thêm 5 phút nữa để các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau.
Xôi thành phẩm sẽ giữ nguyên được màu xanh bắt mắt của hoa rau ngót rừng với hương vị dẻo thơm của gạo nếp, vị đậm đà của thịt băm và vị ngọt bùi của hoa rau ngót rừng. Tất cả các hương vị hòa quyện lại với nhau tạo nên món xôi vừa độc đáo, mới lạ, mang dư vị của núi rừng Xứ Lạng. Và có lẽ, bằng chính hương vị nồng nàn, đậm hồn quê ấy, xôi hoa rau ngót rừng đã thành công chinh phục khẩu vị của nhiều thực khách.
Bà Trần Thị Nghĩa, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hoa rau ngót rừng là một loại thực phẩm khá hiếm, chỉ có ở trên rừng và không thể trồng được. Ngoài ra, đây còn là loại thực phẩm có nhiều công dụng như: làm mát cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa… rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, cứ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, tôi lại tìm mua xôi hoa rau ngót rừng để cả gia đình cùng thưởng thức hoặc làm quà mang biếu người thân.
Chẳng cần những nguyên liệu đắt đỏ, cầu kỳ mà bằng chính những gì thân thuộc, bình dị nhất, xôi hoa rau ngót rừng đã tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng. Nếu có dịp đến với Xứ Lạng vào những ngày tháng 2 âm lịch, du khách đừng quên thưởng thức món xôi độc đáo này. Tin rằng, xôi hoa rau ngót rừng sẽ đem đến cho du khách một trải nghiệm khó quên về một hương vị rất riêng của núi rừng Xứ Lạng.