Dân Việt

Trồng giống bơ lạ lai ghép từ 2 giống bơ quen, ngẩng đầu lên, nông dân Lâm Đồng đụng vô số trái to bự

Văn Việt 27/07/2023 05:09 GMT+7
Mấy chục năm tự nghiên cứu chọn tạo, hoàn chỉnh quy trình ghép trồng thử nghiệm thành công giống bơ sáp vàng bản địa Lâm Đồng, ông Phạm Văn Tĩnh ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã trở thành nhà sản xuất thương phẩm và cung cấp giống “Bơ ông Tĩnh”...

Cây giống “Bơ ông Tĩnh” là nhãn hiệu độc quyền do ông Tĩnh cung cấp trên nhiều vùng nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, mang lại thu nhập quanh năm ổn định cho người nông dân.

 “Phối ngẫu” giữa chồi bơ sáp và gốc bơ nước

Hàng năm giống bơ sáp ông Tĩnh thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11, nhưng khi đến giữa tháng 7 đã phát triển kích thước trái khá lớn từng chùm trên cành, có trái đã đạt trọng lượng đến 1 kg. 

Tọa lạc số 16, Đông Đô, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), khu vườn ông Tĩnh với tổng diện tích hơn 1.100 m2 hiện thâm canh 25 cây bơ sáp bản địa ghép mới. 

Trong số các cây bơ có 15 cây kinh doanh khoảng 5 năm qua; 10 cây vào vụ thu bói trong năm 2023. Quan sát của phóng viên trong khu vườn ông Tĩnh cho thấy những hàng cây bơ sáp đang thời kỳ kinh doanh được bố trí trong không gian thông thoáng, cây cách cây và hàng cách hàng 3 m...

Các cây bơ được khống chế chiều cao 7-8 m, đường kính tán lá 4-5 m. Những hàng cây bơ sáp đậu trái bói (khoảng 3 năm tuổi) có chiều cao đến 3 m, đường kính tán lá 1,5-2 m.

Đưa phóng viên đến bên từng hàng cây bơ sáp, chủ vườn Phạm Văn Tĩnh ước đoán: “15 cây bơ sáp kinh doanh năm nay vẫn đạt năng suất trung bình như mọi năm với 200 kg/cây. 

Và 10 cây đang thu trái bói khoảng 40-50 kg/cây. Mùa hoa của bơ sáp ghép mới bung nở từ tháng 2 đến tháng 3. Từ tháng 4 trở đi, cây bơ sáp đậu trái và tăng trọng lượng cho đến khi thu hoạch vào tháng 10, trung bình mỗi trái cân nặng trên dưới 1 kg...”.

Trồng giống bơ lạ lai ghép từ 2 giống bơ quen, ngẩng lên ông nông dân Lâm Đồng đụng vô số trái to bự - Ảnh 1.

Bơ sáp vàng nhãn hiệu độc quyền “Bơ ông Tĩnh” vẫn giữ giá ổn định 60.000 đồng/kg trong vòng 5 năm qua. Khu vườn bơ của ông Tĩnh ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Bơ sáp vàng là giống bơ do ông Tĩnh lai ghép từ 2 giống bơ sáp và bơ nước.

Cũng theo lời kể ông Tĩnh, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình ông chuyên đi thu mua bơ các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương để phân phối các điểm du lịch, khách sạn Đà Lạt, quày hàng các chợ trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, đã phát hiện giống bơ sáp địa phương khá đặc biệt so với các loại bơ khác. 

Đó là khi chín, vỏ bơ vẫn giữ màu xanh đậm, ruột đặc, hạt nhỏ, trong khi các loại bơ khác thì vỏ thường chuyển sang màu tím khi chín, ruột chứa nhiều xơ hoặc nhiều nước. 

Ông Tĩnh chọn hạt bơ sáp về khu vườn của mình ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng ươm trồng, nhưng liên tục thất bại với tỷ lệ nẩy mầm thấp; cây sinh trưởng không đồng đều, một chu kỳ chăm sóc đến 7-8 năm sau mới đậu trái bói thưa thớt trên cành, trọng lượng thấp.

Ông Tĩnh chuyển sang tập trung nghiên cứu ghép chồi cành giống bơ sáp bản địa với gốc bơ nước địa phương. 

Đưa vào trồng, chăm sóc thêm nhiều chu kỳ nữa, cây cũng ra trái bói nhưng trọng lượng tối đa 3-4 trái/kg, ông Tĩnh lại tiếp tục chặt bỏ và lại dốc tâm sức chọn ra quy trình “phối ngẫu” nhiều lần với kết quả tối ưu nhất để tạo ra giống bơ sáp mới có lợi thế so sánh trên thị trường. 

Kết quả trong hàng chục cây bơ ghép mới thâm canh, ông Tĩnh đã chọn được một cây đầu dòng thu hoạch trung bình 1 kg/trái chín cơm vàng đặc ruột, hạt nhỏ, vị thơm dịu để ghép trồng thương phẩm và bán cây giống cho nông dân nhiều vùng trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung nhân rộng, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác.

Nhãn hiệu độc quyền "Bơ ông Tĩnh"

Đầu năm 2020, ông Phạm Văn Tĩnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bơ ông Tĩnh” với giống bơ sáp vàng do ông chọn tạo, ghép mới nêu trên. 

Đáng kể ở khâu đầu ra trong 5 năm trở lại đây, giữa lúc các giống bơ khác liên tục xuống giá còn 10-15 ngàn đồng/kg thì giống “Bơ ông Tĩnh” vẫn ổn định 50-60 ngàn đồng/kg. 

Riêng cây bơ giống “Bơ ông Tĩnh” đã bán ra mỗi năm khoảng 8.000 cây theo nhu cầu của người sản xuất trong vùng Tây Nguyên, tương ứng với tổng diện tích khoảng 27 ha trồng thuần và 40 ha trồng xen.

Theo hạch toán trên diện tích 1.000 m2 trồng thuần 30 cây “Bơ ông Tĩnh”, tổng số tiền đầu tư giống, phân bón, công lao động khoảng 10 triệu đồng. 

Năm thứ 4 thu bói trung bình 50 kg/cây, nhân với 60.000 đồng/kg trên 30 cây thành tổng doanh thu 90 triệu đồng. Trừ ra còn lãi 80 triệu đồng. Từ năm thứ 5 trở đi, cây “Bơ ông Tĩnh” đạt năng suất khoảng gấp 4 lần thu bói, tương ứng với đạt lãi 320 triệu đồng/1.000 m2/năm.