Làng Việt ở Hải Dương hễ có đám cưới mà nhà gái "lỡ" nhận phong bì là bị xì xào

Chủ nhật, ngày 07/08/2022 12:40 PM (GMT+7)
Ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, trong mỗi đám cưới, nhà gái không được nhận quà mừng và phải “mời khéo” khách ăn cỗ.
Bình luận 0

Đó là phong tục đã được ghi vào hương ước của làng từ nhiều đời nay.

Nhận tiền mừng cưới là bị xì xào

Ngày đầu tháng 8, PV Báo Giao thông tìm về thôn Bồng Lai - nơi chỉ cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 30km. Bồng Lai giờ đã có nhiều đổi khác, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng khi ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên.

Từ đầu thôn, nhiều tiệm spa thẩm mỹ, quán cafe mở ra nhộn nhịp... Thế nhưng, nếp sống thôn quê cùng những phong tục cũ ở thôn Bồng Lai vẫn cơ bản được giữ nguyên.

Trong một căn nhà cũ ven đường thôn có đặt máy xát gạo, bà Lê Thị Đám, người dân thôn Bồng Lai và vài người phụ nữ vừa đổ gạo vào bao, vừa kể về đám cưới gia đình bà mới tổ chức.

Làng Việt ở Hải Dương hễ có đám cưới mà nhà gái "lỡ" nhận phong bì là bị xì xào - Ảnh 1.

Một đám cưới ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương nơi nhà gái không nhận tiền mừng cưới.

Bà Đám có 3 người con, trong đó có 2 cô con gái lớn và 1 anh con trai. Vừa qua, gia đình cũng tổ chức đám cưới cho con gái thứ hai và như tập tục cũ, vẫn không lấy tiền mừng cưới.

“Khi tổ chức đám cưới thì con gái cũng như con trai, số lượng cỗ và nghi thức không thay đổi. Nếu nhà nào vướng mắc về kinh tế, mà lại chỉ toàn con gái thì sẽ tổ chức gọn hơn. Những người đến ăn cỗ vẫn có người đưa phong bì mừng cưới nhưng gia đình cương quyết không nhận để giữ tập tục mà các cụ để lại”, bà Đám tâm sự.

Điều khá lạ là phong tục này chỉ có ở thôn Bồng Lai, dù xã Ninh Hải có 3 thôn. Nhà nào trong thôn Bồng Lai cũng không lấy phong bì khi tổ chức đám cưới cho con gái về nhà chồng. Nếu có nhận thì cũng phải trả lại, nếu không sẽ bị người dân làng phê bình, ý kiến.

Bà Lê Thị Sự có 6 người con gái, đến nay 4 cô đã lấy chồng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng theo phong tục của làng thì gia đình đã tổ chức 4 đám cưới mà không lấy một đồng tiền mừng cưới nào. “Gia đình chúng tôi chỉ làm mâm cơm mời họ hàng, người thân và bạn bè của con chứ không mở rộng”, bà Sự nói.

Tuy nhiên, theo bà Sự, dù vẫn duy trì phong tục cũ việc không nhận quà mừng cưới đối với nhà gái, nhưng hiện phong tục này chỉ dành cho những người ở thôn và họ hàng.

“Đối với người dân và họ hàng đến ăn cỗ thì có thể không lấy tiền mừng. Nhưng đối với đồng nghiệp, bạn bè của con mừng cưới thì con vẫn được lấy như bình thường”, bà Sự cho biết.

Nhà gái được thách cưới lớn

Làng Việt ở Hải Dương hễ có đám cưới mà nhà gái "lỡ" nhận phong bì là bị xì xào - Ảnh 3.

Thôn Bồng Lai ngày càng được đô thị hóa, nhưng phong tục nhà gái không nhận tiền mừng cưới vẫn được giữ nguyên.

Các vị cao niên trong thôn Bồng Lai cũng không nhớ tục lệ nhà gái không nhận tiền mừng cưới có từ bao giờ. Nhưng tục lệ này được ghi hẳn vào hương ước của làng, nếu vì lý do khác nhau, nhỡ gia đình nào trót nhận sẽ gặp không ít điều tiếng.

Không có một lời giải thích rõ ràng về tục lệ này, tuy nhiên theo những người lớn tuổi trong làng, gia đình nào có con gái đến tuổi kết hôn không phải lo nhà cửa như nhà trai phải lo cho con trai lấy vợ.

Hơn nữa, nhà gái có quyền thách cưới, sẽ có những sính lễ do nhà trai mang đến để đưa ra làm cỗ cưới liên hoan cho con gái đi lấy chồng.

Kể về phong tục thách cưới này, bà Lê Thị Danh, người dân thôn Bồng Lai cho hay, trước kia, khi nhà trai sang xin cưới bao giờ nhà gái cũng thách cưới bằng những lễ mặn như: Gà, thịt lợn, gạo, rượu... Rồi sau đó nhà gái sẽ dùng lễ mặn nhà trai đem sang và mua sắm thêm, tổ chức khao cả làng. Thậm chí, có nhà gái thách cưới lớn, nhà trai phải mang gạch đến xây một đoạn đường trong thôn, hay đóng góp tiền của để xây dựng công trình của làng.

“Thuở xưa, nhà trai xếp hàng gánh lợn, gà, gạo... sang nhà gái. Tuy nhiên, bây giờ không còn hình thức đó nữa mà chuyển sang lấy “lễ đen” là tiền mặt. “Lễ đen” giờ cũng nhẹ nhàng hơn, có thể là 1 triệu, 2 triệu hoặc tuỳ vào điều kiện của nhà trai”, bà Danh chia sẻ.

Ngoài ra, có một tục lạ nữa ở Bồng Lai, là người dân chỉ đi ăn cưới nhà gái khi được “mời tận mặt”. Nhà gái phải “mời khéo” khách đến ăn cỗ cưới, phải làm sao gặp tận mặt để mời.

“Nhà gái đi mời người thân, họ hàng đến ăn bữa cơm cưới cùng gia đình cũng phải mời thật khéo léo. Nếu không gặp được thì phải đi đi lại lại vài lần, khi nào gặp được để mời mới thôi. Chứ còn nhà trai thì có thể thông báo hoặc nhờ người khác mời hộ”, bà Danh chia sẻ.

Đỡ lãng phí, tốn kém

Theo bà Sự, dù có toàn con gái và đã tổ chức 4 đám cưới cho con mà không nhận phong bì nào, bà vẫn rất vui và không hề có ý định “trai gái cưới xin phải công bằng như nhau”.

Bởi bà Sự cho hay, ngoài việc đây là phong tục, hương ước làng thì việc không nhận phong bì giúp gia đình không cảm thấy áp lực khi tổ chức đám cưới cho con.

“Nhà tôi đông con, có cháu cưới tôi chỉ làm hơn chục mâm, mời anh em thân thiết trong gia đình. Nếu lấy tiền mừng cưới, gia đình sẽ phải tổ chức linh đình, làm cả trăm mâm cỗ. Như vậy có lấy tiền mừng cưới cũng không thể kéo lại được những chi phí mình bỏ ra. Hơn nữa việc tổ chức, làm cỗ nhiều mâm dẫn đến sự mệt mỏi không cần thiết”, bà Sự chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Danh cho hay, việc nhà gái không nhận phong bì cũng là một nét văn hoá. Nhà nào có điều kiện thì tổ chức to, nhà nào không có điều kiện thì tổ chức nhỏ nhưng vẫn đông đủ họ hàng, người thân.

Việc theo phong tục như vậy thì đám cưới càng trở nên văn minh, tiết kiệm hơn mà việc tổ chức đám cưới không có gì áp lực về kinh tế.

Quốc Phương (Báo Giao thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem