Tại "thủ phủ" điều Bình Phước, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước" đang xảy ra hàng loạt vụ xâm phạm bản quyền về chỉ dẫn diễn ra phổ biến như cơm bữa hoặc có chỉ dẫn địa lý cũng như không. Thậm chí hạt điều nhập về từ châu Phi cũng được trộn lẫn vào điều Bình Phước để xuất khẩu.
Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, là một trong những doanh nhân hàng đầu trong ngành điều quốc tế. Ông Sơn kể: Từ những năm 1990, hạt điều Bình Phước đã nổi tiếng nhờ chắc hạt, có hương vị thơm ngon, béo và ngọt. Khách quốc tế và trong nước rất thích điều Bình Phước. Tuy nhiên về sau, vì nhiều lý do, điều Bình Phước không còn nổi tiếng như trước.
Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân trước hết là việc các doanh nghiệp chế biến điều Bình Phước đã nhập điều thô châu Phi về sản xuất. Tuy nhiên, điều nhập khẩu không được tách bạch riêng mà nhập vào, bán chung điều Bình Phước.
Thứ nữa, công nghệ chế biến ở nhiều nhà máy hiện nay cố gắng giảm tỷ lệ hạt bể, muốn vậy thì phải hồi ẩm cao. Hơi nước đã làm thay đổi kết cấu bên trong, hạt điều bị đục và không còn trắng. Cho dù sau đó có sấy lại thì hạt điều cũng không ngon như trước.
Trên thị trường nội địa, có quá nhiều các công ty nhỏ làm hàng rang chiên để bán nội địa. Những đơn vị luôn quảng cáo là sử dụng điều Bình Phước. Nhưng thực tế là sử dụng hạt điều chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc để có giá thành rẻ, thu lợi nhuận cao nhất. Khi người tiêu dùng mua sử dụng, thấy không thơm, ngon, nên không có hoặc mất dần ấn tượng với hạt điều Bình Phước.
Theo ông Sơn, giải pháp căn cơ cần làm ngay đó là rà soát, chuẩn hóa lại quy trình, thủ tục cấp và quản lý chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước. Việc này nhằm tái khẳng định thương hiệu chất lượng vốn có của hạt điều Bình Phước.
"Bởi vì, nhiều nước đã tiệm cận về nhận thức, và đều lựa chọn chỉ dẫn địa lý là việc phải làm ngay để cạnh tranh quốc tế và mở cửa thị trường tại các quốc gia đối tác khác", ông Sơn nói.
Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước". Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp sản xuất hạt điều được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước, chỉ dẫn địa lý này có thể coi là "báu vật" của tỉnh Bình Phước. Nhưng nhiều năm qua, tài sản quý báu này vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có của nó.
Bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước, cho biết những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng điều.
Vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá bán điều duy trì ở mức thấp. Nhiều nông dân không còn mặn mà với cây điều, và diện tích canh tác điều có xu hướng giảm.
Dù giá bán các sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý cao hơn so với sản phẩm thông thường khác, nhưng mức chênh lệch không đáng kể. Thậm chí, một số thị trường nước ngoài không đòi hỏi chỉ dẫn địa lý với hạt điều nhân trắng. Và một số doanh nghiệp lúc đầu rất tâm huyết xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhưng về sau không còn mặn mà nữa.
Thêm vào đó, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hạt điều diễn ra khá phổ biến. Nhiều sản phẩm hạt điều kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn gắn nhãn mác mang địa danh Bình Phước, được bày bán tràn lan trên thị trường cả nước.
Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), cho biết diện tích trồng điều của Việt Nam khoảng 300.000ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Trong số này, hạt điều mang chỉ dẫn địa lý chiếm một lượng rất nhỏ.
Ngành điều Bình Phước đóng vai trò quan trọng, mang tính chủ đạo trong quá trình phát triển của ngành điều Việt Nam. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra ở Bình Phước, là diện tích và sản lượng điều thô thu hoạch được có xu hướng giảm nhiều.
"Để ngành điều Bình Phước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh của chỉ dẫn địa lý và thương hiệu điều Bình Phước thì phải xóa được nghịch lý này", ông Nhựt nói.
Theo bà Thúy, việc duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước vẫn là giải pháp quan trọng, để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành điều.
Ngành Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý gắn với đăng ký mã số vùng trồng. "Song song đó là tăng cường xúc tiến thương mại để đưa chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước thành một dấu hiệu được người tiêu dùng lựa chọn", bà Thúy chia sẻ.