Nghịch lý: Hạt điều Bình Phước nổi tiếng thơm ngon nhưng giá bán không cao

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 05/06/2021 09:38 AM (GMT+7)
Không tăng cường chế biến sâu và quảng bá tốt thương hiệu, hạt điều Việt Nam nói chung và hạt điều Bình Phước nói riêng khó có cơ hội gia tăng giá trị. Giá thu mua điều cho nông dân cũng khó tăng theo.
Bình luận 0

Khó thu mua giá cao hạt điều Bình Phước

"Thủ phủ" điều Bình Phước và các vùng trồng điều trong nước lại thêm một mùa thu hoạch buồn, khi vừa mất mùa, vừa mất giá. Xuất khẩu tuy tăng trưởng về sản lượng, nhưng lại giảm về giá bán.

Bà Trần Thị Yến - Giám đốc HTX Bù Gia Mập cho biết, thời tiết là nguyên nhân khách quan khiến giá điều thô năm nay không cao. Mưa nhiều từ đầu vụ cho đến khi thu hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

Năm 2021, Bình Phước và các vùng trồng điều khác trong nước tiếp tục mất mùa, mất giá.

Năm 2021, Bình Phước và các vùng trồng điều khác trong nước tiếp tục mất mùa, mất giá.

Theo bà Yến, khi vùng trồng điều đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, đầu ra của hạt điều ổn định với giá bán cao hơn giá thị trường 1.000-1.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, diện tích điều hữu cơ của HTX Bù Gia Mập cũng nhưng trên toàn tỉnh còn khiêm tốn. Việc chứng nhận hữu cơ còn nhiều khó khăn, hạt điều của xã viên chưa thể bán được với giá tốt nhất.

Vụ mùa 2020 và 2021, giá điều thô trong nước từ 29.000 đồng/kg đầu vụ xuống còn khoảng 15.000 đồng/kg cuối vụ. 

"Giá này nhìn chung vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người trồng điều", bà Yến nói.

Thời tiết, dịch bệnh là những nguyên nhân khách quan. Cùng với đó, giá xuất khẩu giảm cũng tác động đến giá thu mua nguyên liệu trong nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều ước đạt 216.000 tấn; tăng 18,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá xuất khẩu hạt điều bình quân chỉ đạt 5.953 USD/tấn; giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu hạt điều tăng về lượng nhưng giảm về giá

Xuất khẩu hạt điều tăng về lượng nhưng giảm về giá

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu thị trường thế giới giảm, các siêu thị nước ngoài không tăng giá mua. Từ đó, các nhà máy cũng không thể nào tăng giá theo.

Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas cho rằng, mức giá vừa qua là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phải tự cân đối tài chính và kế hoạch kinh doanh để hạn chế thua lỗ.

Chia sẻ điều này, ông Tạ Quang Huyên – Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng) cho rằng, trong kinh tế thị trường không thể có một mức giá ổn định.

Hạt điều Bình Phước có chất lượng nhưng hạn chế số lượng. Hoàng Sơn 1 luôn cố gắng thu mua hạt điều của nông dân với giá tốt nhất để bà con yên tâm bám giữ cây điều. Nhưng mức giá cao hay thấp ở từng thời điểm khác nhau lại do thị trường quyết định.

"Khi thị trường có nhu cầu, việc tăng cường chế biến sâu, quảng bá tốt thương hiệu để bán hàng giá cao sẽ giúp tăng giá thu mua cho nguyên liệu tốt ở trong nước", ông Huyên gợi ý.

Chế biến sâu và làm thương hiệu cho hạt điều Bình Phước

Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt – Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Vinahe (TX. Phước Long), một trong những nguyên nhân khiến giá bán hạt điều Bình Phước không cao do chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến.

Thương hiệu và giá trị gia tăng không có, giá bán điều không cao thì doanh nghiệp khó mua của nông dân giá cao.

Các doanh nghiệp chọn xuất khẩu hàng chế biến, phải đối mặt nhiều cam go từ thủ tục, vốn đầu tư, quảng bá thương hiệu đến việc tính toán đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị.

Chế biến hạt điều ở công ty Vinahe. Ảnh Trần Trung

Thử nghiệm công thức chế biến hạt điều mới ở công ty Vinahe. Ảnh: Trần Trung

Hạt điều Bình Phước thường đặc ruột (tỷ lệ thu hồi nhân cao) nên việc chẻ vỏ hạt điều cũng tốn chi phí đầu tư máy móc. Đó chỉ là 1 chi tiết tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngại.

Nhiều đơn vị thích xuất thô hơn đầu tư chế biến sâu dù chất lượng điều nhập nhiều khi không đảm bảo.

Với mong muốn nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước, góp phần hỗ trợ nông dân, 3 năm qua, ông Đạt đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng thành lập công ty Vinahe để tập trung vào mặt hàng chế biến.

Đến nay, Vinahe là một trong số ít những doanh nghiệp thu mua 100% nguyên liệu của nông dân Bình Phước để chế biến và xuất khẩu. Cùng với chiến lược quảng bá tốt thương hiệu, nhiều sản phẩm của công ty được thị trường đón nhận. Doanh nghiệp vẫn trụ vững trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Theo ông Đạt, để nâng cao giá trị hạt điều cần hội đủ 3 điều kiện: người trồng có nguồn nguyên liệu tốt; doanh nghiệp có năng lực chế biến sâu. Và quan trọng nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồng lòng quyết tâm làm thương hiệu cho hạt điều bình phước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan nhà máy chế biến điều ở công ty Hoàng Sơn 1. Ảnh IT

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan nhà máy chế biến điều ở công ty Hoàng Sơn 1.

Quá trình gắn bó 20 năm trên địa bàn Bình Phước, Công ty Hoàng Sơn 1 là một trong những đơn vị đi đầu trong chế biến xuất khẩu điều. Nhiều sản phẩm của công ty này đã bán ở hệ thống siêu thị của Nhật Bản và châu Âu.

Ông Tạ Quang Huyên nhìn nhận cho trong khâu chế biến hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì có rất nhiều DN cùng tham gia nên cũng cho ra rất nhiều loại sản phẩm có chất lượng khác nhau. Không tránh khỏi trường hợp sẽ có người làm sản phẩm có chất lượng kém đi để bán hàng với giá rẻ. Điều này làm thị giá thị trường bị kéo xuống.

"Thu nhập của người trồng điều cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Các doanh nhiệp cần mạnh dạn thay đổi và đoàn kết thì ngành điều mới trở thành ngành kinh tế lớn mạnh của tỉnh Bình Phước", ông Huyên nhắn nhủ.



Làm thương hiệu cho hạt điều Bình Phước

Tập trung ở chế biến sâu

- Ông Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM

Trong chuỗi giá trị sản xuất ngành điều, người sản xuất chiếm 34% (khâu 1), người chế biến xuất khẩu điều chiếm 7% (khâu 2); nhà nhập khẩu, rang chiên, đóng gói chiếm 9% (khâu 3). Phần còn lại, các siêu thị, tập đoàn bán lẻ chiếm trọn 50% (khâu 4).

Ngành điều ở Việt Nam chỉ mới tham gia ở khâu 1 và khâu 2. Các khâu còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Nếu khâu 1 cần quan tâm vấn đề giống, quy hoạch, canh tác thì khâu thứ 2 phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, trình độ cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dư địa của ngành điều Bình Phước vẫn còn nhưng không phải ở việc tăng diện tích, tăng sản lượng mà tập trung ở chế biến sâu.


Chế biến sâu phải gắn liền tên tuổi sản phẩm với địa phương

- Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước

Bình Phước có 1.416 cơ sở chế biến điều nhưng các doanh nghiệp lớn và trực tiếp xuất khẩu chỉ khoảng 40 đơn vị. Phần còn lại vẫn là xuất thô hoặc gia công nên khó tiếp cận thị trường khó tính. Sản phẩm xuất đi cũng chỉ là xuất xứ ở Việt Nam chứ chưa tận dụng được chỉ dẫn địa lý từ Bình Phước.

Muốn có thương hiệu phải có nhiều hơn nữa những sản phẩm chế biến sâu từ chính hạt điều của Bình Phước. Nghĩa là chế biến sâu phải gắn liền tên tuổi của sản phẩm với địa phương.

Khi chưa tách bạch được thương hiệu hạt điều Việt Nam với thương hiệu hạt điều Bình Phước vì việc nâng cao giá trị còn gặp khó.


Doanh nghiệp phải đoàn kết vì thương hiệu chung

- Ông Tạ Quang Huyên – Giám đốc công ty CP Hoàng Sơn 1

Hạt điều Bình Phước và điều Việt Nam lâu nay đều xuất khẩu dưới tên chung của các doanh nghiệp. Tức là thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vốn từ điều thô chế biến ra điều nhân. Nhưng khi sang thị trường châu Âu, các nhà rang chiên lại đem sản phẩm ra đóng gói và đóng thêm thương hiệu của họ vào. Vậy là hạt điều Bình Phước chưa hề có tên trên thương trường thế giới.

Không thương hiệu thì doanh nghiệp cũng không có gì để mất về tên tuổi. Nhưng khi đã quyết tâm xây dựng thương hiệu chung, gắn với nguồn gốc xuất xứ Bình Phước, doanh nghiệp mới nỗ lực bảo vệ thương hiệu đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem