Nhiều năm trước, khi Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi đầy ngơ ngác với ông: Ai là người Hà Nội? Bây giờ ông Phúc mất rồi, Hà Nội trải qua 15 năm mở rộng tới mức… thêm cả một tỉnh Hà Tây (cũ) vào, thì câu hỏi ai là người Hà Nội theo cái nghĩa như người ta vẫn quan niệm là thanh lịch, là đi nhẹ, nói khẽ, ẩm thực cầu kỳ càng khó trả lời.
Hà Nội là chốn hội tụ bốn phương rồi kết tinh thành tinh hoa. Người Thăng Long xưa suy cho cùng cũng vốn từ nông thôn mà ra, là con đường đi từ người nông dân đến người Kẻ Chợ. Hà Nội hình thành từ những quán nước ven sông, xác lập tính chất quần cư ngay từ buổi ban đầu ấy. Hà Nội là nơi ai đến cũng được, đến được thì ở được.
Nhưng Hà Nội từ chỗ là bến đỗ, từ nơi chả phải quê hương, đã hình thành lên những tính cách, những tư chất, những con người tinh hoa nhất. Đấy là cái chỗ khác biệt của Hà Nội.
Nguyễn Du quê Hà Tĩnh, nhưng đẻ ra ở kinh kỳ. Bao người tài khác, hội tụ đến đất kinh thành, được nhào nặn thành tinh hoa đất nước. Cái hồn vía, linh khí, tinh chất của Thăng Long – Hà Nội là ở chỗ khác biệt ấy. Rồi từ Hà Nội, tinh hoa ấy lan tỏa đi…
Có một dạo, hồi Hà Nội gần 1000 năm, người ta tổ chức nhiều hội thảo và cũng có những tranh cãi xem ai là người Hà Nội. Có ý kiến bảo 3 đời sống ở Hà Nội thì là người Hà Nội. Nhưng nhìn lại lịch sử Thăng Long – Hà Nội thì cũng chả cứ mấy đời. Người bốn phương hội tụ, ngấm tinh chất Thăng Long mà thành người Hà Nội không căn cứ hộ khẩu, không căn cứ mấy đời. Như ông Hoàng Đạo Kính được ông Vương Trí Nhàn từng gọi là "người Hà Nội lịch lãm cuối cùng" là người Hà Nội nhiều đời đã đành. Nhưng ông Hồng Đăng sống ngoài bến Hồng Hà không sinh ra ở Hà Nội cũng là một người Hà Nội lịch lãm.
Tròn 15 năm mở rộng Thủ đô, Hà Nội được gì mất gì. Nói cho công bằng, giao thông Hà Nội phát triển, đô thị Hà Nội phát triển. Nhưng cái tinh chất kinh kỳ còn hay mất?
Chưa bao giờ, Hà Nội "quần cư" như bây giờ. Có một Hà Nội cũ tạm gọi là vùng lõi gói gọn trong 4 quận nội thành xưa. Có một Hà Nội từ các vùng quê khác di dân đến đang trong quá trình hội nhập cùng Hà Nội. Và còn một Hà Nội của đồng bào sinh sống nhiều đời ở nơi có núi như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… và của người nông dân chất phác thuộc châu thổ sông Hồng, sông Đáy của Hà Tây (cũ) sát nhập trong không gian hành chính Hà Nội với những giá trị văn hóa khác với Thăng Long xưa.
Thế cho nên, công cuộc "kết tinh" của người đang sống ở Hà Nội không còn dễ dàng, đơn thuần một chiều kiểu người tài bốn phương hội tụ rồi được tinh chất Thăng Long nhào nặn thành tinh hoa nữa. Chỉ cần nhìn những cuộc tuyển sinh đầu cấp năm nào cũng khiến Hà Nội nháo nhào là đủ biết Hà Nội thiếu trường học ghê gớm thế nào, tỉ lệ thuận với số lượng khu đô thị mọc lên, nhà chung cư mọc lên. Khi làn sóng nhập cư tăng nhanh, khi 15 năm qua Hà Nội nhập cơ học người dân vùng mở rộng, thì tinh chất Thăng Long không còn đủ mạnh để "nhào nặn" tinh hoa.
Văn hoá Hà Nội, hay nói một cách khẩu hiệu là văn hoá người Hà Nội trở thành lép vế. Làn sóng nhập cư khiến có những khu chung cư, những toà nhà có khi cả một tầng nói chung một phương ngữ. Có khi, một gia đình Hà Nội bán nhà phố cổ chạy ra mua chung cư lọt giữa cả tầng, cả toà nói chung một phương ngữ ấy "ảnh hưởng" ngược lại mà biến đổi cái tinh chất "người Hà Nội" thành văn hoá vùng miền khác không biết chừng.
Hà Nội mở rộng qua 15 năm, là một cuộc vật lộn không đơn giản về văn hoá, đặt trong bối cảnh của hội nhập thế giới và sự phát triển rất ghê gớm của truyền thông. Một mặt văn hoá người Hà Nội bị văn hoá nhập cư, văn hoá mở rộng, văn hoá thế giới lấn át, nhạt phai. Một mặt, một phần nhỏ tính cách người Hà Nội còn lại khá bảo thủ. Kiểu khư khư ăn phải như này, chơi phải như kia.
Tôi làm việc ở phố Bà Triệu nhiều năm, và rất quen với việc một hôm nào đó nhận được tin nhắn: "Có ở cơ quan không, hẹn tí cafe nhé, hôm nay tao lên phố". Mà cái bọn bạn vừa nhắn tin ấy thì đang làm việc ở Giảng Võ hoặc ở Lạc Trung. "Lên phố" với nhiều người Hà Nội cho đến tận giờ này vẫn phải là khu phố cũ. Nếp nghĩ ấy kỳ lạ không thay đổi, cứ làm như Hà Nội vẫn ở thời đi từ phố xuống chợ Đuổi đã thấy hoang vắng. Trong khi Hà Nội đã mở rộng tới tận đỉnh núi Ba Vì mà cứ phải ở Hàng Ngang, Hàng Đào mới gọi là "lên phố". Đấy là một trong những nếp nghĩ khá bảo thủ của người Hà Nội.
Sự mất mát văn hoá Hà Nội là có thật, dù có lý giải cách nào. Người sống ở Hà Nội bây giờ xô bồ và náo nhiệt cũng là có thật. Đó là phần văn hoá Hà Nội bị xâm lấn. Nhưng ở chiều ngược lại, có lẽ, những người Hà Nội đích thực còn lại, cũng phải từ bỏ một số quan niệm và thói quen bảo thủ, như kiểu ngồi giữa vỉa hè nhếch nhác thưởng thức ẩm thực kinh kỳ và nghĩ đó là văn hoá.
Ở Nhật Bản có thuật ngữ Edokko. Trong đó, Edo là tên cũ của thủ đô Tokyo. Edokko có nghĩa là "người con của Edo" để chỉ những người sinh ra và lớn lên ở Edo. Đối với người Nhật, Edokko mang phong thái đặc trưng riêng của chốn kinh kỳ và là niềm kiêu hãnh lớn lao khi được gọi bằng danh xưng này.
Có cái gì đó từa tựa như ở Việt Nam người ta vẫn hãnh diện bảo là người Hà Nội gốc. Dù thế nào, theo quan điểm của riêng mình, tôi nghĩ nó cũng đáng là một niềm kiêu hãnh. Và rất ngậm ngùi nghĩ về sự nhạt phai văn hoá của những làng cổ Hà Nội như làng Mọc, làng Cót, làng Thanh Nhàn, làng Võng Thị… trong làn sóng đô thị hoá.
Mà bây giờ những người gốc bán nhà ra ở phía xa nhiều rồi. Phần lõi Hà Nội còn giữ được mấy phần hồn cốt giữa những không gian ngoại ô mênh mông, giữa những miền văn hóa mênh mông.
Xưa kia người bốn phương hội tụ về đất kinh kỳ một cách từ từ thì mới "kết tinh" được chứ nay ồ ạt thế này, Hà Nội sàng lọc làm sao được.
Thành phố ngày càng nhiều những quán ăn ồn ã. Cái tính chất riêng biệt, người bốn phương tụ hội rồi kết tinh thành tinh hoa mà chỉ riêng Hà Nội có qua bền bỉ và đằng đẵng năm tháng đoạn trường, đã nhạt phai. Cốt cách Hà Nội, tinh chất kinh kỳ không phải chỉ qua những cuộc vận động xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch văn minh mà có được.