Nhiều hộ nông dân xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thu nhập tiền tỷ nhờ trồng sầu riêng kết hợp cho khách du lịch tham quan trải nghiệm, thưởng thức trái sầu riêng chín ngay tại vườn.
Anh Phạm Văn Hoàng là hội viên nông dân xã Long Phước, Thành phố Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu). Anh Hoàng có 8.500m2 mặt nước nuôi cá nước ngọt. Thông thường anh nuôi các loại cá truyền thống như: rô phi đơn tính, cá chép, cá trắm… Trước đây, mỗi khi thu hoạch các anh Hoàng chỉ gọi thương lái đến bán với giá trung bình cá rô phi 30.000 đồng/kg, cá chép và cá trắm giá chỉ 50.000 đồng/kg.
Anh Hoàng cho biết: "Bán cho thương lái người nuôi cá rất thiệt thòi. Bởi lẽ, giá cả là do thương lái quy định, người nuôi không có quyền định giá cá của mình. Trong khi đó, giá thức ăn cám cho cá thì luôn tăng nên người nuôi chỉ lãi một phần nhỏ.
Mỗi vụ nuôi cá, anh Hoàng thu hoạch được 7 tấn; với giá bán cho thương lái như trên thì mỗi vụ sau khi trừ chi phí anh chỉ có lãi khoảng 80 triệu đồng chưa kể những lúc cá ế ẩm, thương lái không mua hoặc mua nhỏ giọt với giá thấp thì lãi suất chỉ còn một nửa.
Nhận thấy hồ cá của anh Hoàng thuận tiện về giao thông lại liền kề với nhiều vườn cây ăn trái, cuối năm 2022, Hội Nông dân xã Long Phước vận động anh Hoàng đầu tư xây dựng khu ẩm thực và câu cá giải trí và anh Hoàng đã đồng ý.
Để giúp anh Hoàng có vốn đầu tư, Hội Nông dân xã đã bảo lãnh cho anh Hoàng vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với vốn tự có và vay mượn của gia đình, bạn bè, anh Hoàng đã xây dựng chòi, lán trại cho khách câu cá giải trí kết hợp ăn uống với số vốn hơn 300 triệu đồng. Mô hình nuôi cá kết hợp du lịch đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2023 và đem lại hiệu quả khả quan.
Khi khách đến tham quan và câu cá sẽ được anh Hoàng miễn phí cần câu và mồi câu. Khách câu được cá và có nhu cầu ăn cá mình câu tại quán thì anh Hoàng sẽ chế biến cá theo yêu cầu của khách. Mỗi kg cá rô phi, chép, trắm anh bán cho khách câu giá 120.000 đồng/kg đã bao gồm công chế biến. Nếu khách mang đi thì anh tính giá cá rô phi giá 60.000 đồng/kg, cá chép trắm giá 80.000 đồng/kg.
Anh Hoàng phấn khởi nói: "Với giá bán trực tiếp cho thực khách như vậy, mỗi kg cá các loại sau khi trừ chi phí chế biến tôi có lãi gần gấp đôi so với bán cho thương lái. Tính từ khi tôi bắt đầu mô hình nuôi cá kế hợp du lịch đến nay là khoảng 4 tháng. Bình quân mỗi ngày khách câu và mua khoảng 20 kg thì tôi đã bán được 2,4 tấn cá. Nếu so với bán cho thương lái thì tôi có lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Hiện tại, số cá còn lại trong hồ khoảng 4,6 tấn cá. Nếu đến mùa thu hoạch (khoảng tháng 3/2024 ) có thể tôi không đủ cá để bán cho khách đến câu giải trí.
Theo anh Hoàng, sắp tới anh sẽ tiếp tục xây dựng thêm chòi để đáp ứng lượng khách đến câu cá giải trí ngày càng tăng.
Để tạo thêm sự phong phú cho khách câu cá giải trí tại hồ cá của anh Hoàng, Hội Nông dân xã Long Phước đã kết nối một số hộ có trồng sầu riêng, chôm chôm trên địa bàn xã và giới thiệu khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sầu riêng, chôm chôm tại các vườn.
Tham gia mô hình liên kết này điển hình có anh Văn Văn Danh là nông dân trồng 1ha sầu riêng tại xã.
Anh Văn Văn Danh cho biết: "Những năm trước đây phần lớn sầu riêng thu hoạch anh đều bán cho thương lái với giá trung bình 65.000 đồng/kg. Năm nay, nhờ liên kết mô hình du lịch qua giới thiệu của Hội Nông dân xã khách đến tận vườn tham quan và mua trực tiếp sầu riêng của anh rất nhiều. Có ngày cao điểm, gia đình anh đón gần 100 khách. Mỗi ngày vuờn của anh Danh bán trực tiếp cho khách du lịch hơn 200kg sầu riêng.
Anh Văn Văn Danh phấn khởi nói: " Với 1ha sầu riêng, mỗi năm bán cho thương lái với giá trung bình 65.000 đồng/kg thì gia đình tôi có lợi nhuận gần 900 triệu đồng. Riêng năm 2003 này, nhờ bán sầu riêng trực tiếp cho khách du lịch giá trung bình mỗi kg là 75.000 đồng. Kết thúc vụ sầu riêng năm nay, gia đình tôi bán được 20 tấn sầu riêng, trừ hết chi phí còn thu được lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cao hơn bán cho thương lái gần 200 triệu đồng.
Anh Văn Văn Danh bày tỏ mong muốn, Hội Nông dân xã Long Phước sẽ tiếp tục kết nối nhiều hộ trồng cây ăn trái trong xã để liên kết phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, mua trái cây tại vườn. Qua đó, giúp cho nông dân trồng sầu riêng, nông dân nuôi cá tăng thêm lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất.
Với diện tích gần 100ha trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, hơn 20ha là vùng chuyên canh rau má, gần 200ha trồng lúa, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại xã Long Phước còn rất lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống hồ đập, kênh mương kiên cố được xây dựng đáp ứng cung cấp nước cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản quanh năm. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên ấp, nội đồng trên địa bàn xã Long Phước được đầu tư mở rộng và rải nhựa sạch sẽ, thông thoáng.
Xã Long Phước lại có hệ thống Địa đạo dài hơn 50km được quân và dân xã Long Phước xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện xã đang trùng tu để phục vụ khách tham quan, về nguồn. Sau khi hoàn thành trùng tu, Địa đạo xã Long phước sẽ là điểm nhấn để tổ chức du lịch về nguồn kết hợp với du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chùa Bảo Ân là cơ sở cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã được xây dựng lại rất khang trang, bề thế với diện tích hơn 7.000m2. Đây sẽ là điểm du lịch tâm linh của xã.
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, hiện tại Hội Nông dân xã Long Phước đang phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn xã và kết hợp 3 loại hình du lịch như: du lịch về nguồn, du lịch tâm linh và du lịch nông nghiệp.
Dựa trên kết quả đã đạt được ở mô hình câu cá giải trí và tham quan trải nghiệm, mua trái cây tại vườn, Hội Nông dân xã Long Phước sẽ tiếp tục vận động nông dân trồng cây ăn trái, trồng rau má, trồng lúa, nuôi thủy sản nước ngọt, nấu rượu, làm bánh tráng gạo liên kết đầu tư xây dựng nhiều mô hình mới, phong phú, đa dạng để thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị sảm phẩm làm ra của nông dân.
Sắp tới, Hội Nông dân xã Long Phước sẽ đề xuất kinh phí tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm của các mô hình du lịch nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong tỉnh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.