Từ 5.000m2 đất lúa, sau nhiều năm tích góp, anh đã có 5ha đất trồng cây ăn trái, trong đó cây mít ruột đỏ cho trái to bự...
Gặp phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Việt Bằng (SN 1968) ở ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vui vẻ khoe vừa thu hoạch xong vườn măng cụt và thu lợi nhuận 200 triệu đồng (măng cụt thu hoạch 1 đợt/năm).
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 ở Vĩnh Long chia sẻ về mô hình trồng cây ăn trái, trong đó ưu tiên tròng cây mít ruột đỏ. Video: Huỳnh Xây.
"Vừa qua, khi thu hoạch măng cụt nhìn rất ham, ngày nào cũng hái được từ 150-200 kg, giá bán lúc nào cũng cao. Hơn nữa, đây là loại cây cho trái tự nhiên, rất sạch nên có bao nhiêu cũng bán hết" - Anh Bằng thông tin với phóng viên.
Vườn măng cụt của anh Bằng trồng xen với 500 cây mít ruột đỏ với tổng diện tích 1ha. Anh Bằng kể, 1ha này trước đây được anh lên từ đất lúa kém hiệu quả. Ban đầu anh trồng xoài cát hòa lộc, do loại cây này bán không có giá, lợi nhuận không nhiều nên bỏ, chuyển sang trồng măng cụt.
Đến nay, mít ruột đỏ trồng xen này đã thu hoạch được 2 năm, cho lợi nhuận 230 triệu đồng/năm.
Từ 2-3 năm qua, anh Bằng còn trồng chuyên 1.000m2 cây vú sữa Hoàng Kim. Trong khoảng thời gian này, anh không ngừng nhân giống để trồng xen với bưởi ruby ở 4.000m2 khác, cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm (chỉ tính riêng vú sữa Hoàng Kim).
Ngoài măng cụt, cây mít ruột đỏ, vú vữa Hoàng Kim, anh Bằng còn trồng 1ha nhãn IDo và giống nhãn Hưng Yên. Hiện nay vườn nhãn đã 3 năm tuổi, với giá bán cho thương lái từ 20.000-15.000 đồng/kg, anh có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Mới đây, cách nay 3 tháng, anh Bằng còn trồng thêm 1ha mít ruột đỏ và trồng xen thêm trong diện tích này 650 cây vú sữa Hoàng Kim.
Ngoài diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao nói trên, anh Bằng còn cho thuê 2ha đất trồng lúa. Tổng thu nhập của anh lên đến 1 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ với phóng viên, anh Bằng cho biết, trước đây vợ chồng anh chỉ có 5.000m2 đất lúa. Do lợi nhuận từ cây lúa thấp nên từ năm 2000, anh quyết định lên vườn trồng cây ăn trái. Lợi nhuận thu được bao nhiêu, vợ chồng anh Bằng đều tích góp mua đất. Đây cũng là lý do diện tích đất của gia đình anh hiện khá cao so với người dân địa phương.
"Có dư tiền là tôi mua đất. Ở nông thôn không biết kinh doanh nhiều, nên cố gắng mua đất trồng cây ăn trái, vậy mà hiện nay cũng có kha khá đất" - anh Bằng kể.
Về định hướng trong thời gian tới, theo anh Bằng, sẽ giữ lại toàn bộ cây măng cụt đã trồng, bởi cây này dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh và cho thu nhập ổn định qua các năm.
Riêng những diện tích trồng cây ăn trái khác, anh có thể sẽ chuyển hết sang trồng mít ruột đỏ. "Tôi mê nhất là cây mít ruột đỏ, cây này dễ trồng, mặc dù trồng nhiều nhưng rất khỏe thân, hơn nữa giá bán cũng cao và ổn định" - anh Bằng phân tích.
Anh Bằng nói thêm: "Cây nhãn tuy trồng được, giá bán tốt nhưng nặng phân thuốc và tốn công chăm sóc. Các loại cây ăn trái khác cũng vậy, riêng chỉ có cây mít ruột đỏ dễ trồng, thuê nhân công làm cũng không cần phải hướng dẫn nhiều".
Khi so sánh cây mít ruột đỏ với cây mít Thái, anh Bằng cho hay, cây mít ruột đỏ ít bệnh hơn, cho trái nhiều hơn. Đặc biệt, mít ruột đỏ ở địa phương lúc nào cũng có thương lái đến tận vườn cắt, vận chuyển đi, anh chỉ việc coi cân và tính tiền, còn cây mít Thái khi giá xuống thấp từ 5.000-6.000 đồng/kg, có thời gian thương lái không mua.
Hiện anh Nguyễn Việt Bằng thuê từ 4-5 người dân địa phương phụ làm vườn, trồng cây ăn trái.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Việt Bằng ở ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.