CLIP: Ông Đỗ Thành Lực, người dân ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chia sẻ về nguồn gốc, vẻ đẹp của hai cây mẫu đơn cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở đền Đa Hòa.
Theo truyền thuyết xưa, bờ sông Hồng đoạn chảy qua trước cửa đền Đa Hòa ngày nay chính là nơi Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung công chúa bắt đầu viết câu chuyện tình của mình.
Thuở xưa tại làng Chử Xá (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) có ông Chử Cù Vân, vợ là Bùi Thị Gia hạ sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử. Người vợ chẳng may mất sớm, để lại cảnh gà trống nuôi con.
Một ngày nọ, hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ gia sản, hai cha con chỉ còn độc chiếc khố vải. Vì thế, chỉ khi ai đi đâu mới dùng khố. Một ngày kia, người cha ốm nặng trước khi qua đời, dặn con cứ giữ lấy khố mà dùng nhưng chàng không nỡ để cha trần nên lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn.
Bấy giờ, có một nàng công chúa tên là Tiên Dung nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng. Một hôm nàng cùng đoàn tùy tùng du ngoạn trên sông nơi Chử Đồng Tử sinh sống, cồng chiêng nổi lên, đàn áo hòa nhịp. Đồng Tử trông thấy vội vùi mình xuống cát.
Thấy cảnh đẹp Tiên Dung cho dừng thuyền, quây màn để tắm, vô tình nơi Tiên Dung tắm lại đúng vào chỗ Đồng Tử giấu mình. Gặp Chử Đồng Tử, biết được nguyên cớ, Tiên Dung quyết định kết duyên cùng chàng. Mối tình của họ từ đó được bắt đầu. Vì sợ vua cha, Tiên Dung ở lại sông cùng Đồng Tử, hai người bảo ban nhau làm ăn, buôn bán và chữa bệnh giúp dân nghèo.
Về sau do nghe lời sàm tấu nhà vua quyết định cử tướng mang quân đi bắt Chử Đồng Tử - Tiên Dung về hỏi tội. Quân nhà vua sát khí đằng đằng, gươm giáo sáng lóa chỉ một ngày tốc thẳng tới nơi. Nhưng vì trời tối và còn cách con sông rộng nên các tướng truyền hạ trại ngày mai sẽ tấn công bắt trói giải nghịch tử nghịch nữ về triều.
Trong lúc Quan quân nhà vua còn đang bàn tính. Dân trong vùng còn đang lo lắng chờ đợi. Thì nửa đêm trời nổi sấm chớp, mưa như trút nước, gió mạnh đổ rạp ngọn cây. Tự nhiên ánh sáng chiếu lòa như giữa ban ngày, những người bạo nhất dám hé mắt nhìn ra thấy trong tiếng ầm ầm cả tòa lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đang bốc khỏi mặt đất rồi bay vút về trời.
Sau đó mưa tạnh, gió yên. Cho đến sáng quan quân mới dám cử người đi dò la rồi lần lượt sang sông. Đến nơi, ai nấy kinh hãi nhìn nhau vì trước mặt chỉ là một đầm nước rộng mênh mông. Cả tòa thành lớn cùng tiên chủ, quân hầu không để lại vết tích gì.
Vua Hùng hay tin, về tận nơi xem xét. Bấy giờ mới tường mọi việc. Nhà vua cho đặt tên đầm là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm). Lại truyền xây miếu thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nhà vua mở đầu lễ dâng hương, dặn nhân dân địa phương ngày đêm thờ phụng, hàng năm triều đình cử quan đại thần về làm lễ tưởng niệm. Tất cả những nơi Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã tới truyền đạo, chữa bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ rất tôn nghiêm.
Ông Đỗ Thành Lực, người trông coi đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, các cụ cao niên trong làng kể lại, đôi mẫu đơn được trồng ở sân đại tế ở đền Đa Hòa cách đây hàng trăm năm với mục đích trang trí, làm đẹp cho đền và đến giờ vẫn luôn được chăm sóc xanh tốt, cứ tới mùa là cho hoa rực rỡ.
Ông Lực cho biết thêm, đôi hoa mẫu đơn ta ở đền Đa Hòa nổi bật với những chùm hoa rực rỡ, độ bền hoa cao. Mùa hè cũng là khoảng thời gian cây cho hoa đẹp nhất, trời càng nắng, hoa mẫu đơn càng cho màu đỏ rực. Vào giữa mùa thu đôi mẫu đơn lại bung nở sắc thắm hơn.
"Đôi mẫu đơn ở đền đẹp do hội tụ được nhiều tiêu chí, gốc, dáng và hoa. Từ dáng mâm xôi, thân gốc to lớn, từng lớp mốc trắng phủ thời gian càng khiến đôi mẫu đơn trở lên đẹp và cổ kính hơn biểu trưng cho mối tình bất tử giữa nàng công chúa cành vàng lá ngọc với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo", ông Lực nói.
Đền Đa Hòa nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái Hùng Vương thứ 18) và Tây Sa công chúa. Đền Đa Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia năm 1962.