Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Nguyễn Trọng Văn Thứ tư, ngày 21/06/2023 06:07 AM (GMT+7)
Sau khi ông Đinh Gia Quế người "phất cờ"- lãnh tụ đầu tiên mất do bệnh tật (mùa xuân năm 1885), quyền thống lĩnh Nghĩa quân Bãi Sậy được chuyển giao cho ông Nguyễn Thiện Thuật. Từ đây cuộc nổi dậy phản kháng chống lại thực dân Pháp của nông dân các huyện Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên) chuyển biến thực sự...
Bình luận 0

"Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy" và là một trong những cuộc khởi nghĩa hưởng ứng Phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi ban chiếu. Cũng từ đây tên tuổi của Nguyễn Thiện Thuật gắn liền với "Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy" và ngược lại.

Nguyễn Thiện Thuật-từ dòng dõi hào khí

Tôi tìm về xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên vào đúng hôm rằm tháng sáu. Tiếp tôi là ông Nguyễn Tất Xý, 78 tuổi và ông Nguyễn Tất Nghiệm, 76 tuổi. Ông Nguyễn Tất Nghiệm vui vẻ cho biết "Ngôi nhà này của gia đình tôi được dựng ngay trên nền đất của cụ Nguyễn Thiện Thuật để lại". Rồi ông Xý và ông Nghiệm vừa mời tôi uống nước vừa trò chuyện.

Ông Nghiệm cho biết: Ông Nguyễn Thiện Thuật là anh trưởng, dưới ông có ba người em, đó là các ông: Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển và Nguyễn Thiện Dương. Cả bốn anh em đều tham gia Nghĩa quân Bãi Sậy. 

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 1.

Khu đền thờ Nguyễn Thiện Thuật (xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) được đón nhận Bằng di tích lịch sử Quốc gia.

Ông Xý nói luôn "Tôi là chắt nội của cụ Nguyễn Thiện Kế, còn ông Nghiệm đây là chắt nội của cụ Nguyễn Thiện Dương. Riêng cụ Nguyễn Thiện Hiển, từng được người Pháp gọ là "Hổ xám rừng xanh" bởi lối đánh táo bạo, gan dạ của cụ, trong một lần giao chiến với quân Pháp, cụ Nguyễn Thiện Hiển bị tử trận, để lại người vợ trẻ ở quê nhà. Bà Nguyễn Thị Tú là vợ cụ Hiển, khi ấy còn trẻ và tuy hai người chưa có con nhưng bà Tú vẫn ở vậy thờ chồng cho trọn đạo nghĩa. Thành ra cụ Nguyễn Thiện Hiển "tuyệt tự".

Tôi vội hỏi cho rõ ‘Vậy thì các con cháu chắt của cụ Nguyễn Thiện Thuật thế nào?". Cả ông Xý và ông Nghiệm đều cho hay "Do bị quân Pháp săn lùng hòng truy diệt tận gốc nên con cháu của cụ Nguyễn Thiện Thuật phải rời quê đi ly tán đi khắp nơi". 

Ông Nghiệm nói thêm "Người con trai đầu của cụ Nguyễn Thiện Thuật tên là Nguyễn Thiện Tuyển, còn gọi là Cả Tuyển, một đội binh trong nghĩa quân Yên Thế của Cụ Hoàng Hoa Thám. Ông Cả Tuyển không may sa vào tay giặc, người Pháp đưa ông về Mỹ Hào để xử. Hôm chúng xử ông, trước khi chém đầu chúng có làm mâm cơm rượu thịt để ông ăn. 

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 2.

Bức phù điêu miêu tả cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong Đền thờ Nguyễn Thiện Thuật, (xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Ông Cả Tuyển ung dung ngồi uống rượu. Vừa uống vừa làm thơ và hào sảng đọc thơ. Rượu và thơ xong ông Cả Tuyển đứng dạy tự đi đến chỗ hành hình, ông khoan thai chìa đầu cho chúng chém". Câu chuyện chợt chùng xuống, thì ra trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược ở thời nào cũng vậy. Cũng đều có hy sinh, đều có ly tán nhưng đều có anh hùng bất khuất.

Lát sau ông Xý nói tiếp "Từ khi dòng họ chúng tôi đi tìm và cất bốc hài cốt của cụ Nguyễn Thiện Thuật từ Nam Ninh, Trung Quốc về an táng tại quê nhà thì mọi người vào dịp giỗ tết lại tìm về quê nhà hương khói". Rồi ông Xý nói tiếp "Đấy nhân nói tới chuyện hương khói, có lẽ mời ông cùng chúng tôi đến nhà thờ Họ Nguyễn làng Xuân Đào để thắp hương cho các cụ. Hôm nay là ngày rằm mà".

Nhà thờ Họ Nguyễn làng Xuân Đào năm ở giữa thôn Xuân Đào. Một ngôi nhà thờ khiêm tốn nhưng lại gây ấn tượng mạnh với tôi. Ông Nguyễn Văn Tác, Trưởng tộc họ Nguyễn làng Xuân Đào, đã 90 tuổi nhưng còn khá dẻo dai, minh mẫn. 

Ông Tác vừa đi làm đồng về đã đôn đáo con cháu mở cửa Nhà thờ, bật đèn, pha ấm trà nóng. Rồi ông Tác sau khi "chỉnh đốn" áo quần đã nhanh tay nhắc lên một chiếc chiêng đồng, ông thong thả thỉnh một hồi chiêng kính cáo. Hồi chiêng vừa dứt cả ông Tác, ông Xý và ông Nghiệm cùng người cháu trưởng của ông Tác đứng trước ban thờ kính cẩn dâng nén hương.

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 3.

Nhà thờ Họ Nguyễn làng Xuân Đào, (xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Làm xong thủ tục bấy giờ ông Nguyễn Văn Tác mới chỉ tay lên bức hoành phi treo trên ban thờ đọc cho tôi nghe, lời lẽ viết rằng "Dữ quốc đồng ưu" và ông giải thích có nghĩa là "Cùng lo với nước". Nghe thật chí lý, thật sâu sắc và cũng thể hiện khí chất của một dòng họ. Tôi hỏi thêm "Vậy dòng Họ Nguyễn làng Xuân Đào truyền thống thế nào?". Nghe tôi hỏi thế cả ba ông đều cười vui.

Theo gia phả của dòng Họ Nguyễn làng Xuân Đào thì dòng họ Nguyễn làng Xuân Đào là một dòng họ lâu đời và thanh danh. Sự thanh danh ở dòng họ Nguyễn làng Xuân Đào chính là bởi sau "biến cố Lệ Chi Viên" năm 1442, một nhánh thuộc gia tộc Nguyễn Trãi đã phiêu dạt về đây ẩn dật và sinh sống. Họ Nguyễn Xuân Đào hiện nay chính là những Hậu duệ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Văn Tác cho biết "Cụ Nguyễn Thiện Thuật là Hậu duệ đời thứ 13 của Nguyễn Trãi".

Đến lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Ông Nghiệm cho hay "Cụ Nguyễn Thiện Thuật có tên tự Mạnh Hiếu – Nghe thế tôi thầm nghĩ: Tên tự của cụ đã cho thấy khí chất của một con người - Cụ  sinh ngày 23 tháng 3 năm 1844, là con cả của một gia đình nhà nho nghèo".  

Ông Xý kể thêm "Cha của cụ Nguyễn Thiện Thuật là cụ Nguyễn Tuy, cụ Tuy vốn là một là tú tài, làm nghề dạy học. tiếp nối truyền thống học hành của người cha nên cụ Nguyễn Thiện Thuật cũng gắng sức học nên cụ đỗ Tú tài năm 1874. Sau khi đỗ Tú tài cụ được Triều đình nhà Nguyễn cử làm Bang biện Đông Triều. Hai năm sau cụ tiếp tục dự kỳ thi Nho học nhưng chỉ đậu Cử nhân". 

Ông Nghiệm góp thêm "Cùng khoa thi Nho học năm ấy với cụ Nguyễn Thiện Thuật có cụ Phan Đình Phùng, cụ Phùng đỗ Đình Nguyên (Tiến sĩ). Hai cụ là bạn đồng khoá, bạn tâm giao và sau là những người bạn cùng đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược".

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 4.

Mộ và công trình xây mới Đền thờ Nguyễn Thiện Thuật ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, (tỉnh Hưng Yên).

Khi người Pháp đem quân vào xâm chiếm nước ta và đưa quân ra Bắc lần thứ 2 (1882 – 1883) và lần lượt chiếm đóng các tỉnh, khi ấy cụ Nguyễn Thiện Thuật đang làm Chánh xứ sơn phòng Hưng Hoá kiêm Tán tương quân vụ Sơn Tây đã kháng lệnh Triều đình, nuôi ý chí đánh Pháp. 

Cụ Thuật sang Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, nơi cụ đã có thời gian làm quan ở đó, để chiêu mộ nghĩa binh. Hay tin ở Khoái Châu có ông Đinh Gia Quế phất cờ khởi nghĩa chống Pháp nên Nguyễn Thiện Thuật đã tìm cách liên kết. Và cho dù Vua Tự Đức đã ra lệnh bãi binh nhưng Nguyễn Thiện Thuật lại lần nữa kháng chỉ.

Tháng 7 năm 1885 vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông Nguyễn Thiện Thuật mừng lắm nên tìm đến hội nghĩa với Nghĩa quân Bãi Sậy. Và khi ông Đinh Gia Quế mất thì ông được suy tôn làm lãnh tụ của Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. 

Nguyễn Thiện Thuật đã hướng cuộc phản kháng có tính tự phát thành một phong trào kháng chiến có tổ chức. Do cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và bản thân vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương nhất ở Bắc kỳ, nên vua Hàm Nghi phong cho ông Nguyễn Thiện Thuật chức Bắc kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, nhằm làm hạt nhân tập hợp quan lại tiến bộ và dân chúng ở Bắc kỳ để kháng Pháp.

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 5.

Đường Nguyễn Thiện Kế và làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, (tỉnh Hưng Yên), quê hương Nguyễn Thiện Thuật.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Hưng Yên và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định tạo thành cả một phong trào sâu rộng ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ trong suốt những năm 1885-1889. 

Chính vì sức lan toả của Cuộc khởi nghĩa và thanh thế của nghĩa quân Bãi Sậy với vai trò lãnh tụ của Nguyễn Thiện Thuật nên Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gắn liền với tên tuổi Nguyễn Thiện Thuật.

Tôi lại nói góp "Nghĩa quân Bãi Sậy đã sáng tạo nên cách đánh du kích khá linh hoạt. Giới sử học quân sự đã đánh giá: Là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân đồng bằng Bắc bộ cuối thế kỷ 19. 

Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học bổ ích, nhất là về phương thức hoạt động và các hình thức tác chiến (du kích) của nghĩa quân ở một vùng đồng bằng đất hẹp, người đông. Vận dụng lối đánh này mà đêm ngày 12 tháng 3 năm 1945, Đội du kích Khu Bãi Sậy, Hưng Yên, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Phương Thảo (Tức Trung tướng Nguyễn Bình sau này) đã thực hiện trận đánh Đồn Bần Yên Nhân không tốn một viên đạn. Trận đánh này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là: Trận đánh du kích kiểu mẫu".

Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh thứ hai lãnh đạo nông dân Hưng Yên làm cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy - Ảnh 6.

Tác giả với ông Nghiệm và ông Xý, những người dân làng làng Xuân Đào, quê hương Nguyễn Thiện Thuật (xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy Nghĩa quân Bãi Sậy cho em trai là Nguyễn Thiện Kế , rồi sang Trung Quốc tính kế lâu dài nhưng việc không thành. Ông mất vì bệnh ngày 25 tháng 5 năm 1926 tức ngày 14 tháng Tư năm Bính Dần (Ông Nguyễn Tất Nghiệm cho biết: Dòng họ và dân làng Xuân Dục làm giỗ cụ Nguyễn Thiện Thuật vào ngày rằm tháng Tư ). 

Sau khi mất thi hài Nguyễn Thiện Thuật được an táng tại trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ "Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - chi mộ". Năm 2005 mộ của ông được di dời về Việt Nam, cải táng tại quê hương Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào. Khu mộ và Đền thờ Nguyễn Thiện Thuật được công nhận là di tích.

Sau khi Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, phong trào Cần Vương bắt đầu suy yếu, người Pháp đẩy mạnh việc đàn áp. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy cũng "kiệt sức" dần, nhiều lãnh binh bị giết. 

Ông Nguyễn Tất Nghiệm cho hay "Cụ Nguyễn Thiện Dương bị Pháp phục kích bắn trọng thương, cụ mất do bị mất nhiều máu. Còn cụ Nguyễn Thiện Kế cũng bị Pháp bắt được. Chúng đầy cụ ra Côn Đảo". Với những mất mát và thương vong đáng kể, đến năm 1892 Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lụi tàn, kết thúc 9 năm nổi dậy kháng Pháp của những người nông dân Hưng Yên nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Nắng hè rực rỡ, chúng tôi cùng bước ra ngoài sân. Khu đất vườn của cụ Nguyễn Thiện Thuật hôm nay dường như cây lá mướt xanh hơn. 

Ông Xý và ông Nghiệm vui vẻ cho biết: "Đền thờ cụ Nguyễn Thiện Thuật hiện được nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng mới cho xứng với tầm vóc của một vị lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp xâm lược hồi cuối thế kỷ 19". 

Tôi nắm chặt tay ông Xý và ông Nghiệm nói lời chúc mừng dòng họ Nguyễn làng Xuân Đào, chúc mừng những người dậu duệ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã phát huy truyền thống dòng họ, truyền thống quê hương, xây dựng quê hương đẹp giàu như niềm tự hào sẵn có.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem