Nói đến truyền thống khoa bảng của Bắc Ninh chúng ta không thể không nhắc tới nhân danh khoa cử Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, sinh năm Giáp Thân (1464) quê ở làng Ngo (vốn xưa là xã Bình Ngô, huyện Gia Định, sau là huyện Gia Bình) nay thuộc thôn Thượng Vũ, xã An Bình, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thuở nhỏ nhà nghèo, ông phải làm nghề bán hàng nước ở cầu Khoai (trên đường Thiên lí từ Phả Lại qua Gia Bình về Kinh Đô Thăng Long) kiếm sống, nhưng Nguyễn Quang Bật rất ham học và học đến mức mờ cả mắt.
Vốn là người có ý chí “nhân định thắng thiên”, không tin vào số mệnh. Tương truyền, trước khoa thi ông nằm mơ thấy Thần hiện về báo mộng ông sẽ không đoạt giải cao, thế nhưng ông tin rằng “Thần đâu biết được việc người; phen này ta đỗ, đỗ thời Trạng nguyên” nên ông càng ra sức học.
Đến kì thi Đình, khoa thi năm Giáp Thìn - 1484, thời Hồng Đức thứ 15 (thời vua Lê Thánh Tông), với bài luận đối đình sách trả lời về cách dùng người của nhà Triệu Tống, ông đậu Trạng nguyên và sau được bổ nhiệm làm quan với chức Hàn lâm Hiệu lý, là thành viên nhóm Tao đàn Nhị thập bát Tú, đích thân vua Lê Thánh Tông làm nguyên suý, và tham gia làm sách “Quỳnh uyển cửu ca”.
Thời Lê Hiến Tông, ông được phong chức Đô ngự sử đài, phụng mệnh cùng thượng thư Đàm Văn Lễ phò lập Túc Tông.
Khu lăng bia Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, thôn Thượng Vũ, xã An Bình, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi thi Nguyễn Quang Bật đỗ Trạng nguyên, ông được bổ làm quan Viện hàn lâm chức Hàn lâm viện thị thư.
Năm 1495, ông được tham gia hội Tao Đàn làm sách Quỳnh uyển cửu ca, đứng tên thứ 7 trong số 28 người. Đời Cảnh Thống ông giữ chức Đô ngự sử đài, cùng thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ lĩnh mệnh phò lập Túc Tông.
Bấy giờ hoàng tử Tuấn dựa vào thế lực mẹ nuôi là bà Kính phi muốn tranh ngôi mới đem vàng lụa đút lót hai đại thần nhiếp chính. Thượng thư Đàm Văn Lễ sợ biến loạn không làm tròn phận sự di chiếu của vua Lê Hiến Tôn phải đem ấn truyền quốc về nhà riêng. Hoàng tử Tuấn giận lắm.
Nhưng vua Túc Tông ở ngôi không bao lâu thì mắc bạo bệnh mất sớm. Do Túc Tông không có con nối nên bà Kính Phi ở trong cung đã tuyên lập hoàng tử Tuấn kế ngôi.
Ngày 5-6-1505, Lê Uy Mục (tức Hoàng tử Tuấn) lên ngôi chưa đầy nửa năm, nhớ mối hận ngày trước đã biếm chức thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử đài Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam giữ chức thừa tuyên sứ. Khi hai người đi đến sông Lam thuộc địa phận huyện Chân Phúc vua sai người đuổi theo bắt phải tự xử.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trước khi gieo mình xuống sông, Nguyễn Quang Bật đã ngâm mấy vần thơ tuyệt mệnh bằng quốc âm cho khuây lòng, thơ rằng:
“Trời, trời xanh. Nước, nước xanh
Ai đem người ngọc đến Nam Ninh
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình”.