Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm các nội dung nêu ra tại kết luận thanh tra cung ứng điện

An Linh 10/08/2023 14:59 GMT+7
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung nêu ra tại kết luận thanh tra cung ứng điện vừa công bố.

Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra cung ứng điện

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm đôn đốc xử lý các vi phạm được phát hiện qua thanh tra, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương vào cuộc kiểm tra việc xử lý sau thanh tra.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về về thực hiện kết luận thanh tra liên quan tới quản lý, điều hành cung ứng điện tại EVN và các đơn vị liên quan gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Hậu thanh tra cung ứng điện: Bộ trưởng Công Thương phải chịu trách nhiệm, vào cuộc kiểm tra, xử lý - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm, vào cuộc xử lý sau kết luận thanh tra cung ứng điện (ẢNh EVN)

Trước đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương trong tháng 6/2023 đã tổ chức thanh tra về tình hình cung ứng điện trong năm 2021-2022, hoạt động thanh tra này thực hiện trong bối cảnh thị trường điện trong nước đang nóng các vụ việc cắt điện hàng loạt ở phía Bắc và Hà Nội do thiếu điện, một số dự án điện mặt trời chuyển tiếp chưa đàm phán, có cơ chế giá với EVN, trong khi cả nước thiếu điện diện rộng từ cuối tháng 5.

Đầu thán 7, Bộ Công Thương đưa ra kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến EVN, các công ty thành viên và Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy, việc quản lý, vận hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan tại cả hai nguồn chính của miền bắc là thủy điện và nhiệt điện đều có bất cập.

Về thủy điện, theo kết luận thanh tra, việc EVN chỉ đạo định hướng hạ mực nước các hồ cuối năm 2022 và huy động đầu năm 2023 gây ảnh hưởng tới điều tiết nước cho phát điện mùa khô 2023. Việc vận hành này được đánh giá chưa sát thực tế thủy văn khi dự báo lưu lượng nước về giảm 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Nhiệt điện - nguồn chiếm hơn 32% cơ cấu và cung ứng gần một nửa sản lượng cả nước, trong đó có miền Bắc, cũng gặp những đứt gãy khi tồn kho nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp. Các nhà máy thiếu than phần lớn thuộc quản lý của EVN. Mặt khác, tồn kho than thấp cũng khiến một số nhà máy phải dừng tổ máy trong nhiều ngày.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra dự báo nhu cầu sử dụng điện chưa sát thực tế. (A0) đã dự báo phụ tải cho hệ thống điện cả nước, 3 miền năm 2021-2022 và 5 tháng đầu năm 2023 đúng quy định nhưng "chưa sát thực tế" với diễn biến nhu cầu sử dụng, thủy văn thay đổi.

Mới đây, EVN đã đưa ra kế hoạch khắc phục vi phạm trong kết luận của Bộ Công Thương và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cung cấp điện.

Cụ thể, EVN cam kết xem xét trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc và lãnh đạo ban, trưởng ban EVN. Các tổng công ty, đơn vị trực thuộc cũng kiểm điểm tập thể hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; ban Giám đốc, Giám đốc các đơn vị.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được EVN yêu cầu hàng tháng phải tính toán phương thức vận hành, cập nhật và tính toán cho các tháng tiếp theo. Đánh giá khả năng cung ứng điện và có giải pháp thực hiện.

Về nguyên liệu cho nhiệt điện than, khí, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, Tổng công ty cung ứng than, khí như TKV, PVN, Tổng công ty Than Đông Bắc đảm bảo cung cấp than để tăng mức tồn kho của các đơn vị phát điện vào cuối 2023, chuẩn bị cho các tháng mùa khô 2024.