7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước chỉ đạt 7,8 tỷ USD; giảm 25,5% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nguyên nhân suy giảm của ngành gỗ chủ yếu do chi phí đầu vào tăng cao.
Nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Tại "thủ phủ" chế biến gỗ Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ 6 tháng ước đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), dù đã được dự báo từ cuối trước nhưng việc thiếu đơn hàng nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã giảm quy mô sản xuất, giảm lao động. Hiện các doanh nghiệp thành viên BIFA đang cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên.
Một tín hiệu tích cực của ngành gỗ Việt Nam trong tháng 7 là xuất khẩu đạt được 1,15 tỷ USD; tăng 5,5% so với tháng 6/2023. Các số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng phục hồi so với quý trước.
Ông Nguyễn Liêm cho biết, tín hiệu tích cực ở Bình Dương là đơn hàng đã bắt đầu trở lại từ cuối quý II/2023, dù chưa thật nhiều. Đặc biệt là lượng tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ đang giảm. Điều này có ý nghĩa tích cực cho thị trường nửa cuối năm 2023.
Hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương đang tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí, vừa nỗ lực tìm kiếm thị trường mới.
Một trong những thị trường mà lâu nay ngành gỗ không xâm nhập tới là khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước siêu giàu như Arab Saudi,...
Theo ông Liêm, đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án. Tất cả các dự án này đều cần nội thất, và còn là nội thất phân khúc cao cấp. Nhiều thương hiệu lớn của thị trường nội thất Bình Dương đang tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
"Năm nay ngành gỗ Việt Nam đặt chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD thay vì 17 tỷ USD như ban đầu. Các doanh nghiệp ở Bình Dương phấn đấu tiếp tục giữ vững doanh số đạt 40-45% doanh số cả nước như nhiều năm qua", ông Liêm chia sẻ.
Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động xúc tiến giao thương, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, để sản xuất có chất lượng và giá thành cạnh tranh, việc doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp không hề bị động. Hiện toàn ngành đang thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã, đổi mới công nghệ,.. nhằm biến những bất lợi thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ.
"Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương - Bifa Wood Vietnam 2023 tổ chức tại tỉnh Bình Dương là minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thích ứng của các hiệp hội, doanh nghiệp", ông Lập nói.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Đại Phúc Vinh CNC, công nghệ cũ làm ra năng suất thấp và sử dụng rất là nhiều lao động. Cái thiết bị, công nghệ mới sẽ mang đến nhiều ưu điểm như tiết kiệm không gian sản xuất, tiết kiệm công nhân và mang đến hiệu suất cao.
Ông Vinh cho rằng, Bifa Wood Vietnam 2023 là triển lãm rất quan trọng của ngành gỗ. Bifa Wood Vietnam 2023 là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp hồi sinh năng lực sản xuất bằng cách là đầu tư những công nghệ hiện đại.
Bifa Wood Vietnam là sự kiện thường niên dành cho các doanh nghiệp kinh doanh máy móc, dây chuyền sản xuất và nguyên phụ liệu ngành chế biến gỗ.
Bifa Wood Vietnam 2023 diễn ra từ ngày 9 đến 12/8 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp từ khắp các nơi trên thế giới, với gần 800 gian hàng.
Bà Lê Hải Liễu – Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Đức Thành cho biết, hầu như công ty không bao giờ vắng mặt trong các kỳ hội chợ triển lãm của ngành. Công ty gỗ Đức Thành là một đơn vị sản xuất nên nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ là rất cần thiết. Các máy móc, thiết bị hiện đại sẽ giúp công ty làm ra sản phẩm tinh xảo, chất lượng hơn.
Theo bà Liễu, khi quyết định đầu tư thì hiệu quả kéo theo nhiều tích cực, đầu tiên là năng suất, kế tới là chất lượng. "Sẽ có những việc mà lâu nay mình không làm được bằng quy trình cũ. Nhờ công nghệ mới, công ty có thể làm được, vừa nhanh vừa chuẩn xác", bà Liễu nói.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tuy tăng trưởng giảm nhưng ngành gỗ vẫn đóng một vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp.
Thông qua Hội chợ Bifa Wood Vietnam, Bình Dương hi vọng, các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội quảng bá các sản phẩm uy tín, chất lượng. "Bình Dương cũng mong Bifa Wood sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy để chia sẻ những bước tiến, đột phá mới trong ngành gỗ Việt Nam; góp phần vào việc tăng cường năng lực công nghệ và nâng cao sự cạnh tranh của ngành gỗ trên thị trường quốc tế", ông Dũng chia sẻ.