Đơn hàng tới tấp từ Mỹ, doanh nghiệp gỗ Bình Dương giữ chân lao động đừng về quê bằng lương "khủng"
Đơn hàng tới tấp từ Mỹ, doanh nghiệp gỗ Bình Dương giữ chân lao động đừng về quê bằng lương "khủng"
K.Nguyên
Thứ năm, ngày 07/10/2021 19:21 PM (GMT+7)
Đã có những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ ở Bình Dương đưa ra mức lương hấp dẫn chưa từng có để giữ chân lao động ở lại làm việc, không vội về quê.
Đơn hàng xuất khẩu gỗ sang Mỹ, Trung Quốc tăng, doanh nghiệp đưa lương "khủng" giữ chân công nhân
Tại Hội thảo "Tháo gỡ cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới sống chung với Covid-19" do Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức chiều 7/10, bà Đỗ Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam (Bình Dương) cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đưa ra những ưu đãi rất lớn để thu hút nguồn nhân lực đang có nguy cơ thiếu hụt sau dịch để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu gỗ đã đến thời điểm giao hàng.
"Theo thông tin tôi nắm được, có những doanh nghiệp cạnh tranh nguồn nhân lực bằng cách đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn, ngoài việc làm 8 tiếng một ngày, nếu làm thêm giờ người lao động thêm thu nhập rất cao. Tính ra với mức ưu đãi này, công nhân có thể có thu nhập 20 - 25 triệu đồng/tháng nếu chịu khó" - bà Loan nói.
Từ thực tế nhu cầu nguồn lao động của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang rất cao, nhất là sau khi một lượng lớn lao động đã rời TP.HCM, Bình Dương về quê những ngày qua, bà Loan kiến nghị địa phương, các ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức những chuyến xe đón công nhân trở lại Bình Dương làm việc để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng xuất khẩu gỗ tăng mạnh dịp cuối năm.
Bà Loan cho biết, doanh nghiệp của bà may mắn được các đối tác, khách hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, có những khách hàng còn chuyển tới 70% giá trị hợp đồng để doanh nghiệp có nguồn lực hoạt động.
"Hiện, chúng tôi đang tăng tốc khôi phục sản xuất, chuyển từ sản xuất "3 tại chỗ" sang "3 xanh" nhưng tôi cho rằng cần có chính sách tạo động lực lôi kéo lao động về tỉnh càng nhiều càng tốt" - bà Loan nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt cho biết, đã có khoảng 20% lao động rời Bình Dương trở về quê nên sắp tới nhu cầu nhân lực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ là rất lớn, nguy cơ thiếu hụt nếu các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất.
Trong khi đó, đại diện Công ty Hiệp Long cho rằng, cần tạo sinh kế cho người lao động ở lại Bình Dương làm việc.
Xuất khẩu gỗ từ Mỹ giảm trong tháng 8, kỳ vọng tháng 9 phục hồi
Hiện, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị các điều kiện để từng bước phục hồi sản xuất nhưng qua khảo sát của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, có đến 73% doanh nghiệp được hỏi muốn được miễn thuế, giảm thuế; 40% doanh nghiệp được hỏi muốn được tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021 đạt 750 triệu USD, giảm 35,3% so với tháng 9/2020.
9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ đạt gần 6,4 tỷ USD.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ và các thị trường rất cao, mục tiêu của ngành đặt ra trong năm 2021 là xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 14 - 14,5 tỷ USD, hiện đã đạt gần 12 tỷ USD, nếu các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục sản xuất, mục tiêu của năm 2021 hoàn toàn trong tầm tay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ tuần cuối tháng 9/2021, nhiều tỉnh, thành phố từng bước mở cửa kinh tế trở lại nên các doanh nghiệp cũng bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng khả quan, do nhiều doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến hết năm và thậm chí đến hết quý I/2022" - Cục Xuất nhập khẩu dự báo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.