Dân Việt

Từng bị chê gàn dở vì trồng cây dại ở vườn nhà, nay cô giáo Thái Nguyên khiến ai cũng phải thán phục

Hà Thanh - Kiều Hải 12/08/2023 05:30 GMT+7
Trước đây, thấy cô giáo Nguyễn Thị Duyên (xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đem sim rừng về trồng trong vườn nhà, nhiều người chê cô là gàn dở. Thế nhưng hiện nay, những người đó đã phải thay đổi cách nhìn...

Một buổi sáng đầu tháng 8, PV Dân Việt có dịp đến thăm khu vườn trồng sim rừng của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Duyên ở xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. 

CLIP: Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình trồng sim rừng. Clip: Hà Thanh

Hiện ra trước mắt PV là một vườn cây sim với quả sai chi chít, nhiều quả chín đen mọng, đang đến độ thu hoạch.

Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình trồng sim rừng như hiện nay, chị Duyên cho biết: "Cây sim gắn liền với suốt thời kỳ tuổi thơ của tôi. 

Tuy nhiên sau một quá trình đi học và đi làm, khi trở về địa phương, thấy những cây sim đang dần bị phá bỏ khiến tôi không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối. Do đó với mong muốn bảo tồn loài sim, từ năm 2020, tôi đã quyết định thu mua cây sim của người dân trong vùng về trồng tại vườn nhà".

Chẳng quản vất vả, chị Duyên cần mẫn bỏ thời gian, công sức cải thiện lại khu đất trũng trong vườn nhà để có thể trồng sim.

Nhiều người đi qua còn bảo chị gàn dở mới mua củi về trồng vì thấy cây sim được chất thành từng đống trơ cả gốc. Nhưng những lời nói đó không khiến chị nản lòng mà càng nhen nhóm trong chị quyết tâm phải trồng bằng được.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 2.

Năm 2020, chị Duyên, nông dân xã Đào Xá, huyện Phú Bình, (tỉnh Thái Nguyên) bắt đầu trồng sim rừng trong vườn nhà với số lượng lớn. Ảnh: Hà Thanh

Là người đầu tiên trồng sim trong vườn nhà nên chị Duyên hoàn toàn không có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc cây hoa sim. Do đó chị phải tự mày mò, thử nghiệm theo cách của riêng mình.

Theo chị Duyên, để trồng cây hoa sim đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức. Nguyên nhân bởi cây hoa sim phù hợp trồng trên đất đồi, nên khi trồng sim trong vườn nhà, cây rất khó thích nghi. 

Bên cạnh đó, sim là cây rễ nổi, không ưa ngập úng nhưng lại phải luôn được giữ ẩm, do đó phải đảm bảo tưới đủ nước và làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng cho cây.

Suốt quá trình từ lúc trồng đến khi cây bắt đầu ra lứa hoa đầu tiên là cả quãng thời gian dài chị Duyên dành trọn tâm huyết chăm sóc rồi hồi hộp, chờ đợi, ngóng trông. Có thời điểm bao công sức của chị có nguy cơ "đổ sông đổ biển" khi nhiều cây sim lần lượt bị chết.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 4.

Chị Duyên dẫn PV Dân Việt đi thăm khu vườn trồng sim với bao tâm huyết của mình. Ảnh: Hà Thanh

Không vì vậy mà nản chí, chị Duyên vẫn kiên trì chăm sóc, tưới tắm, vun xới đều đặn và kiểm tra cây mỗi ngày với niềm tin rằng mình sẽ làm được. Thế rồi niềm vui đã thật sự vỡ òa với chị Duyên khi sau một năm trồng, cây sim bắt đầu ra nụ và nở hoa.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 5.

Nhờ trồng sim theo hướng hữu cơ nên quả sim của gia đình chị Duyên đảm bảo chất lượng khi bán ra thị trường. Ảnh: Hà Thanh

Thế nhưng, khó khăn lại nối tiếp khó khăn, nhiều cây sim bắt đầu có dấu hiệu bị sâu đục thân, sâu lá và sâu quả mà chị Duyên không thể tìm ra cách khắc phục. Có người khuyên chị phun thuốc hóa học nhưng chị không làm, vì chị muốn bảo vệ môi trường và an toàn cho những người đến tham quan, trải nghiệm tại đây.

Dù chị Duyên đã tự tìm hiểu và chế các chế phẩm sinh học để phun cho cây nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Vậy là chị đành bỏ công ngắt bỏ từng chiếc lá bị sâu bệnh để cứu cây và tránh lây lan sang những cây khác trong vườn.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 6.

Chị Duyên đã thiết kế và tạo những lối đi riêng để giúp khách thuận tiện tham quan, trải nghiệm tại vườn. Ảnh: Hà Thanh

Đến nay, với diện tích gần 2.000m2, gia đình chị Duyên đang trồng khoảng 400 cây và đang bắt đầu cho thu hoạch quả với sản lượng ổn định. Tính từ đầu vụ đến nay, chị Duyên đã thu hoạch khoảng vài tạ quả sim với giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Chị Duyên cho biết, cây sim thường bắt đầu ra nụ và nở hoa vào khoảng tháng 6 hằng năm, sau khoảng 45 ngày cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch quả sim kéo dài khoảng 2 tháng.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 7.

Những quả sim chín mọng được chị Duyên chuẩn bị đưa vào ngâm rượu. Ảnh: Hà Thanh

Theo chị Duyên, quả sim có rất nhiều công dụng tuyệt vời như: Cầm máu, bổ sung khí huyết, cầm tiêu chảy… Do đó, ngoài việc trồng và bảo tồn cây sim, hiện chị Duyên còn thu hoạch quả tươi để bán, ngâm rượu sim và còn thử nghiệm làm quả sim rừng sấy khô. Bên cạnh đó, chị còn trồng sim để phục vụ cho những khách có nhu cầu mua cây về chơi, làm cảnh.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 8.

Nhiều em nhỏ thích thú trải nghiệm hái sim tại vườn của gia đình chị Duyên. Ảnh: Hà Thanh

Với mô hình trồng sim theo hướng hữu cơ như hiện nay, chị Duyên mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển cây sim rừng. Và hơn cả, chị ấp ủ mong muốn sẽ đầu tư xây dựng một xưởng ủ rượu sim để lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng về công dụng tuyệt vời của quả sim.

Đưa giống sim trên đất đồi cằn về trồng tại vườn nhà, cô giáo Thái Nguyên quyết bảo tồn loài cây này - Ảnh 9.

Rượu sim với nhiều công dụng chữa bệnh. Ảnh: Hà Thanh

"Hiện nay có rất nhiều người tiêu dùng sử dụng quả sim không đảm bảo chất lượng nên không khai thác được hết công dụng vốn có của nó. Bởi vậy, tôi mong muốn sẽ đưa ra thị trường những quả sim thật sự chất lượng và giá trị, xứng đáng với số tiền mà khách hàng bỏ ra" - chị Duyên bày tỏ.