Trồng cây này mọc la liệt "mầm rau" mập ú, một nông dân Bình Thuận cứ cắt là bán hết sạch

Thứ sáu, ngày 11/08/2023 18:53 PM (GMT+7)
Vườn trồng tre Điền Trúc 400 bụi của gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) luôn giữ được màu xanh mướt.
Bình luận 0

Đang vào cao điểm mùa khô của những ngày tháng 4 nắng và gió gay gắt; nhiều loại cây trồng đã chuyển sang màu vàng khô lá nhưng vườn trồng tre Điền Trúc 400 bụi của gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) luôn giữ được màu xanh mướt.

Dưới gốc 200 bụi tre hơn 2 năm tuổi đang nhú lên nhiều mầm măng non trái vụ. Trung bình mỗi ngày anh Tám thu khoảng 20kg măng tre Điền Trúc, với giá măng tre là 40.000 đồng/kg, thu được 800.000 đồng, đều đặn mỗi tháng thu được 24 triệu đồng. 

Anh Tám chia sẻ: Tre cho măng vụ nghịch kéo dài 8 tháng; bắt đầu từ tháng 10 kéo dài đến tháng 6 năm sau. Với tổng thu của gia đình từ bán măng tre Điền Trúc là trên dưới 200 triệu đồng.

Gia đình anh Tám có tổng diện tích đất quanh nhà hơn 1 ha; đất nằm cạnh sông Cái rất thuận lợi về nguồn nước tưới, là đất thịt pha cát nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển. 

Trước đây, anh Tám trồng 1.000 trụ thanh long. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu ra trái thanh long không ổn định, cộng với vườn thanh long già cỗi, phát sinh nhiều dịch bệnh, chi phí đầu tư tăng nên anh quyết định phá bỏ để chuyển đổi cây trồng. 

Trồng cây này mọc la liệt "mầm rau" mập ú, một nông dân Bình Thuận cứ cắt là bán hết sạch - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Tám ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) bên vườn tre Điền Trúc đang ra những mầm măng mập mạp. Riêng tiền bán măng Điền Trúc mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu mỗi năm.

Qua tìm hiểu từ các phương tiện truyền thông, anh thấy mô hình trồng tre lấy măng có nhiều tiềm năng, do đó anh quyết định đặt mua giống tre từ miền Tây với giá 40.000 đồng/hom. 

Ban đầu anh Tám trồng 200 cây tre, sau 8 tháng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tre phát triển tốt và cho măng bói, đến năm thứ 2 là bắt đầu khai thác măng vụ nghịch. 

Nhận thấy trồng tre cho hiệu quả kinh tế, anh Tám tiếp tục trồng thêm 200 cây, nâng vườn tre lên 400 cây trên tổng diện tích 6.000 m2 (6 sào). 

Tre trồng với khoảng cách: cây cách cây 3m và hàng cách hàng 6m. Thân tre Điền Trúc khá cao, từ 7 – 8 m và không có gai, mọc chụm nhưng xa cây mẹ hơn các loại tre khác, lá to nhẵn và có màu xanh đẹp mắt, măng tre Điền Trúc khá to, lớp vỏ mỏng và có vị ngọt khi ăn.

Anh Tám chia sẻ: Trồng tre Điền Trúc không khó lại ít bệnh, chủ yếu là bón phân hữu cơ định kỳ và tưới nước thường xuyên trong mùa khô. 

Để giảm công lao động anh lắp đặt hệ thống pét phun tự động, mỗi ngày tưới 1 lần. Tre Điền Trúc trồng từ năm thứ 4 trở đi cho nhiều măng, trung bình mỗi vụ nghịch, tức qua 8 tháng thu hoạch, mỗi bụi tre cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng. 

Ngoài có thu nhập từ bán măng, hơn năm qua, anh Tám xuất bán khoảng 3.000 cây tre giống Điền Trúc cho các hộ lân cận để trồng với giá 25.000 đồng/cây, thu về khoảng 75 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Thị trấn Ma Lâm đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng tre Bát Độ ở khu phố Tầm Hưng với 5 thành viên, theo NQ 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các thành viên thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phát huy hiệu quả nghề trồng tre.

Trong thời gian đến, Hội Nông dân thị trấn Ma Lâm sẽ tiếp tục nhân rộng Hội nghề nghiệp trồng tre Điền Trúc ở khu 3 nhằm góp phần thực hiện đa dạng hóa cây trồng phù hợp, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Nguyễn Thường (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem