Trả lời bà Nga, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo khảo sát, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Người trồng lúa lại có thu nhập thấp nhất trong nông nghiệp. “Việc này chúng ta không nói khác đi được, song có thể làm khác đi. Trong bối cảnh này, giá gạo tăng từng ngày, đây là thời cơ để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tôi cảm xúc với tin nhắn của một nông dân miền Tây hồi đầu nhiệm kỳ: Nếu giá lúa cao và thu nhập ổn định thì chúng tôi sẵn sàng mang mùng mền (chăn màn) ra canh lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Giá lúa thấp thì chúng tôi đành bỏ ruộng”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói và cho biết, đây là điều “ám ảnh tâm trí” ông, đó là việc làm sao cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa. Đó không chỉ là giá. Điều cần là làm “bài toán trừ”, giảm bớt chi phí đầu vào như giống, phân, thuốc.
Khảo sát của Bộ NNPTNT cho thấy thời gian qua, nhờ ứng dụng canh tác khoa học, nông dân đã giảm được 25% chi phí đầu vào. “Tổng hợp lại là giảm, mà giảm bao nhiêu là tăng bấy nhiêu. Bài toán kinh tế là cả hai đầu, một đầu giảm và một đầu tăng. Chỉ lấy cái giá thì không nói hết lên bài toán kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp bày tỏ lo lắng nếu giá đầu vào còn tăng cao, sẽ gây rối ngành hàng, thiếu bền vững. Ông vừa đi cùng Thủ tướng đến thăm một HTX gần 400ha, chỉ có 85 hộ thành viên, ngoài đồng có khoảng 40 người. Họ ngồi ngoài đồng, điều khiển máy móc.
“Nếu chúng ta chỉ nghĩ người nông dân trồng cái gì hưởng cái đó, thì chúng ta đi chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19 (Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Đó là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị, sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”, Bộ trưởng phân tích thêm.
Lý giải cụ thể hơn, Bộ trưởng NNPTNT cho rằng: “Không gian lúa” có thể tạo ra những ngành khác. Bởi hiện tại, máy móc nhiều, nông dân rảnh rỗi. Do đó, nông dân hoàn toàn có thể làm thêm những việc khác, liên kết cùng làm thêm nông sản khác.
“Chúng ta cần có cái nhìn đa chiều. Chính quyền địa phương có thể nghiên cứu, khuyến khích nông dân vào HTX, mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung. Thu nhập sẽ nằm ở từng phân khúc đó. Không chỉ là trồng lúa rồi bán lúa cho thương lái như bây giờ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
80% diện tích lúa ở ĐBSCL chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động trồng lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến chi phí gia tăng. Chất lượng hạt gạo cũng chưa thực sự xuất sắc. Điều đáng nói là nông dân ĐBSCL thích ứng rất nhanh, trồng xen, nuôi xen giữa các vụ lúa. Có nông dân từng tâm sự với Bộ trưởng rằng “trồng lúa để nuôi tôm”. Không có lúa thì không có cá, tôm. Những động vật này ăn hạt lúa rơi, còn cây lúa sống nhờ phế phẩm từ tôm, cá. Đây là sự tích hợp kinh tế tuần hoàn. Nếu khi tôm xuống giá, thì nông dân mở rộng quy mô trồng lúa.
Cũng chất vấn về vấn đề thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, theo nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, tuy nhiên, đây cũng là những người có thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông. Đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo đại biểu Hạnh, nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là những người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này?
Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo số liệu thống kê thì tỉ lệ người dân nông thôn là 27%, nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất lớn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có những giải pháp không chỉ cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Theo đó đảm bảo là người người dân vẫn còn giữ đất nhưng trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.