Dân Việt

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ dùng điện thoại thông minh làm thủ tục vay vốn, kiểm tra nợ

Hoan Nguyễn 18/08/2023 06:00 GMT+7
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn, dân tộc thiểu số ở Phú Thọ giờ đây có thể dễ dàng nắm rõ khoản vay tín dụng chính sách đã trả đến giai đoạn nào và còn cần thanh toán bao nhiêu...

Ngồi ở cửa hàng tạp hóa của mình, anh Hà Mạnh Linh (khu Đồng Tâm, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vẫn có thể xem số kỳ đóng gốc lãi của khoản vay chính sách qua ứng dụng Mobile Banking. Trong khi đó, trước kia, anh phải gọi điện hay gặp trực tiếp tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm được số kỳ đóng gốc lãi đối với khoản vay của gia đình.

Chuyển đổi số giúp hộ nghèo, dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận tín dụng chính sách - Ảnh 1.

Chuyển đổi số giúp anh Hà Mạnh Linh chủ động, dễ dàng tiếp cận thông tin về dịch vụ tín dụng chính sách. Ảnh: Phương Thảo

Bà Phạm Thị Chuyên, Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn khu Trung Tiến 2, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cho biết, bà đang quản lý 48 thành viên với số tiền vay gần 2,3 tỷ đồng. Khách hàng vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, người cao tuổi... Thời gian trước, bà con vẫn quen tìm hiểu thông tin vay vốn từ văn bản giấy, đóng tiền gốc lãi thì gặp mặt trực tiếp, nên lượng công việc rất lớn.

"Biết Ngân hàng CSXH triển khai ứng dụng trên điện thoại thông minh, bà con chủ động xem hướng dẫn hoặc nhờ con cháu hay hàng xóm đọc cho nghe thông tin về chương trình mình muốn vay, các bước làm thủ tục vay vốn. Do vậy, tôi cũng giảm tải được nhiều việc hơn"- bà Chuyên nói.

Chủ tịch Hội nông dân huyện Cẩm Khê Trần Thị Thu Hưởng chia sẻ, cán bộ Hội Nông dân và các tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm thường xuyên phải đi đến tận các hộ vay vốn để nắm bắt, đôn đốc việc thu lãi, trả nợ gốc hoặc tuyên truyền các chính sách mới của ngân hàng đưa về.

Chuyển đổi số giúp hộ nghèo, dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận tín dụng chính sách - Ảnh 2.

Nhân viên Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Phú Thọ tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các tiện ích trên nền tảng ứng dụng số. Ảnh: Phương Thảo

Hiện nay, nhờ có ứng dụng số nên các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay rất thuận tiện trong việc điều hành, quản lý công việc. Kể cả những phát sinh nợ quá hạn, lãi cộng dồn, các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn cũng có thể kiểm tra trên hệ thống ứng dụng để chủ động vận động các hội viên chuẩn bị tiền kịp trả đúng hạn, hoặc có kế hoạch tiếp tục vay vốn phát triển.

Chị Trịnh Thị Hưng (khu Suối 2, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho hay, chị vay vốn tại phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê để có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

"Từ khi cài và sử dụng ứng dụng Mobile Banking, tôi đã dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ của hệ thống Ngân hàng CSXH. Hiện giờ hầu hết các giao dịch của tôi đều thông qua điện thoại di động, rất nhanh, gọn, hiệu quả. Mọi người trong gia đình ai cũng phấn khởi, yên tâm sử dụng vốn vay vào sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả" - chị Hưng nói.

Chuyển đổi số giúp hộ nghèo, dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận tín dụng chính sách - Ảnh 3.

Cuộc sống của các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Thọ thay đổi đáng mừng, một phần nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH. Ảnh: Phương Thảo

Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều chương trình tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách dành cho cán bộ tín dụng, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và đội ngũ trưởng khu, tổ trưởng TKVV…

Trong đó tập trung tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ Mobile Banking trên điện thoại di động cho tất cả khách hàng. Việc này, giúp nhiều khách hàng ở huyện miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được áp dụng các dịch vụ số liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách dễ dàng, thiết thực.

Đến nay đã có gần 1.500 khách hàng vay vốn chính sách thực hiện giao dịch qua ứng dụng Mobile Banking và hàng chục ngàn khách hàng cài đặt ứng dụng Zalo của Ngân hàng CSXH trên thiết bị di động.

"Để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, chúng tôi tiếp tục thực hiện miễn 100% phí duy trì tài khoản và phí giao dịch khi sử dụng dịch vụ Mobile Banking. Việc này sẽ giúp đối tượng cho vay chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích" - ông Phương nhấn mạnh.