Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt

Văn Long Thứ hai, ngày 14/08/2023 07:01 AM (GMT+7)
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế nông thôn, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh của tỉnh Lâm Đồng thì TP Đà Lạt đang là điểm sáng trong việc áp dụng chuyển đối số trong xây dựng NTM tại địa phương.
Bình luận 0

LTS: Chuyển đổi số trong xây dựng NTM là chương trình lớn, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Tại tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan. Trong đó, tỉnh đã tập trung xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội nhằm đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Trong loạt bài viết "Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng" của Báo điện tử Dân Việt sẽ đề cập đến những thành tựu, kết quả đạt được của địa phương trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, loạt bài viết cũng nêu lên những khó khăn khi xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số cùng những giải pháp để địa phương hướng tới mục tiêu chung của cả nước.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM: Coi người dân là chủ thể

TP.Đà Lạt hiện nay đang được xem là thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển này cũng được xem là nơi có tỷ lệ người dân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp với những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị lớn, đứng top đầu cả nước.

Clip: TP Đà Lạt là điểm sáng trong xây dựng NTM đặc biệt là chuyển đổi số ở Lâm Đồng.

Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. 

Trong đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn –thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt- Ảnh 1.

Nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số tại địa phương.

Tại thành phố Đà Lạt, được gọi với cái tên thân thiện "anh nông dân nhàn nhã" là anh Nguyễn Đức Huy. Anh Huy được biết đến là người đam mê và đầu tư cho công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tốt nghiệp thạc sĩ Sinh học thực vật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), anh Huy đã từng có thời gian làm việc cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng cũng như muốn áp dụng những gì đã được học vào sản xuất nông nghiệp, anh Huy đã nghỉ việc "làm công, ăn lương" để về làm nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đức Huy bên vườn cà chua sử dụng công nghệ chăm sóc của mình sáng lập, điều khiển bằng điện thoại, máy tính.

Khoảng năm 2015, anh Huy cùng các cộng sự đã bắt đầu đưa hệ thống "Vietponics Control System" do mình nghiên cứu, lập trình vào áp dụng thực tiễn tại khu vườn rộng 2ha để trồng rau, củ, quả theo hướng thủy canh. Sau nhiều năm áp dụng, anh Huy khẳng định, việc áp dụng hệ thống trên vào trồng rau, củ, quả theo hướng thủy canh đã mang lại lợi nhuận cao gấp 5 lần so với cách làm truyền thống.

"Hệ thống "Vietponics Control System" của chúng tôi được lắp đặt, kết nối với điện thoại thông minh, máy tính qua mạng internet. Thông qua mạng internet thì người sử dụng có thể thực hiện các lệnh điều khiển để chăm sóc vườn của mình. Bằng các lập trình sẵn qua thời gian dài tích lũy thông tin, hệ thống của tôi có thể tự động xác định cách chăm sóc, nhu cầu phân, nước, độ ẩm, nhiệt độ của từng loại cây trồng trong vườn. Từ đó, nhân công, chi phí khi sản xuất sẽ giảm xuống, lợi nhuận của người áp dụng sẽ tăng lên", anh Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt- Ảnh 3.

Anh Nguyễn Đức Huy là người đam mê công nghệ và say mê nghiên cứu công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Chuyển đổi số ở Lâm Đồng: Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về Thông tin và Truyền thông theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt- Ảnh 4.

Ông Ngô Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ (TP.Đà Lạt) trực, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại trụ sở UBND xã.

"Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (chuyển đổi số, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...) trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030", tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ các mục tiêu cụ thể.

Là địa phương được TP.Đà Lạt chọn để xây dựng xã NTM kiểu mẫu chuyển đổi số, đảng bộ, chính quyền và người dân xã Xuân Thọ đang tích cực thực hiện các tiêu chí để đạt được mục tiêu. Ông Ngô Xuân Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho hay, đến nay, toàn bộ người dân tại xã đủ điều kiện đã được cấp căn cước công dân. Các tổ Công nghệ số tại các thôn đã được thành lập để các đoàn viên, thanh niên, Bí thư, Trưởng thôn hỗ trợ người dân áp dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng internet banking của các ngân hàng trong nhiều giao dịch của đời sống.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 1): Điểm sáng công nghệ nhìn từ TP Đà Lạt- Ảnh 5.

Ông Đặng Quang Tú (thứ 2 từ trái qua) tặng giấy khen cho hộ gia đình đã tích cực trong phong trào xây dựng NTM tại TP.Đà Lạt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho hay: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền trên môi trường mạng (trang thông tin điện tử của xã, các kênh mạng xã hội,…), thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.

Đặc biệt, liên quan đến chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM thì chúng tôi sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Tiếp tục thực hiện tốt công khai minh bạch các thủ tục hành chính để đem lại hiệu quả cao, từng bước tăng dần tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đồng thời, phối hợp đồng bộ các ngành có liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo đúng quy định".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem