Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về quản lý, điều hành và cung ứng điện của Bộ Công Thương.
Theo đó, EVN cho biết tập đoàn này và nhiều đơn vị trực thuộc sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã tổ chức hàng loạt hội nghị để kiểm điểm lãnh đạo các tổng công ty, đơn vị trực thuộc đồng thời đề xuất nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại.
Văn bản số 4829 mà EVN gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị này cho biết sau khi Kết luận thanh tra chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình quản lý, điều hành cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên, EVN và các đơn vị thành viên đã nghiêm các kết luận, kiến nghị được nêu, qua đó khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong các ngày 18/7-7/8, EVN đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của kết luận và niêm yết công khai Kết luận thanh tra số 4463 tại trụ sở EVN.
EVN cho biết Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc EVN đã có 5 văn bản triển khai công tác kiểm điểm đối với Tập thể Ban Tổng giám đốc EVN, Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc và yêu cầu tập thể Ban Giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc và tập thể lãnh đạo Ban, Trưởng ban EVN tổ chức kiểm điểm.
Về kết quả, cuối tháng 7, Hội đồng Thành viên EVN tổ chức hội nghị để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể HĐTV, chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Phát điện 1. Ngày 28/7, EVN đã tổ chức kiểm điểm tập thể nhóm người đại diện phần vốn của EVN, người phụ trách nhóm người đại diện là Chủ tịch HĐQT, người đại diện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc các Tổng công ty Phát điện 2, 3; ngày 29/7, EVN đã kiểm điểm tập thể Ban giám đốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.
"Các tập thể và cá nhân nêu trên, đã nộp bản kiểm điểm và tự nhận các hình thức trách nhiệm đối với các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra. Tập thể Ban Tổng giám đốc EVN cũng có cuộc họp kiểm điểm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, HĐTV EVN", EVN cho hay.
"Tổng Giám đốc EVN sẽ tiếp tục rà soát báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý cán bộ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Hội đồng thành viên của EVN để xem xét tổ chức việc kiểm điểm với tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý. Trên cơ sở có kết quả công tác kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, EVN sẽ tổng hợp báo cáo các cấp", EVN cho hay.
EVN cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ, EVN đã khắc phục trong công tác quản lý và cung ứng điện.
Tập đoàn này chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) hàng tháng tính toán phương thức vận hành tháng và cập nhật cho các tháng còn lại của năm 2023, đánh giá khả năng cung cấp điện và đưa ra các giải pháp. Các báo cáo này A0 đã báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản.
Về kế hoạch cung ứng điện giai đoạn 2024-2025, đặc biệt là cấp điện mùa khô, EVN cho biết đã chỉ đạo A0 tính toán cân đối cung cầu từng năm theo các kịch bản khác nhau (phụ tải, tần suất nước về, xác suất sự cố, ...) và đưa ra các giải pháp, trong đó có các giải pháp trong thẩm quyền của EVN và các kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về giải pháp cung cấp điện 2024-2025, EVN sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBQLVNN và các Bộ, ngành trong quý III/2023", EVN cho hay.
Về hậu quả để thiếu điện miền Bắc, trong báo cáo điểm lại tháng 8/2023, với chủ đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng", nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) ước tính: Mất điện trong tháng 5, tháng 6/2023 tại Việt Nam (đa phần ở miền Bắc) đã khiến nền kinh tế gánh chịu thiệt hại, mức tổn thất khoảng 1,4 tỷ USD (32.200 tỷ đồng), tương đương 0,3% GDP của nền kinh tế Việt Nam.