Cứ mỗi năm vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về như một tiếng còi báo hiệu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt dầu vào mùa nước nổi.
Cũng chính vì vậy mà vùng miệt vườn Vĩnh Long lại thay cho mình một chiếc áo mới trở nên dịu dàng và hiền hòa hơn, những giai điệu trữ tình bắt đầu trổi dậy mang âm hưởng của hương đồng cỏ nội như lời ru của thiên nhiên khiến cho bao du khách say lòng.
Mùa nước nổi đổ về cũng chính là thời điểm cây trái quanh dòng Cổ Chiên trở nên tươi tốt hơn, không những vậy còn đem về một lượng lớn tôm cá dồi dào, đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho các đầu bếp chế biến ra những món ăn ngon hấp dẫn phục vụ du khách.
Đã nói đến các món ăn chế biến từ cá sông thì không thể nào bỏ qua các món ăn đặc sản từ lươn đồng Vĩnh Long.
Lươn đồng thì có quanh năm. Tuy nhiên nhiên khi mùa lũ tràn về là lúc lươn bội thu nhiều nhất. Đi dọc các bờ ruộng, bờ mương dễ dàng thấy được các trúm câu lươn của người dân.
Chắc hiện nay chỉ có một số ít các bạn trẻ biết đến cái trúm lươn này. Trúm ở đây là dụng cụ được làm từ ống tre hoặc ống nước, dài khoảng 1 mét thường thì sẽ được làm bằng ống tre.
Lươn đồng mùa nước nổi ở Vĩnh Long có thể chế biến thành nhiều món đặc sản.
Để trúm lươn được chắc chắn người ta thường dùng các loại tre già thẳng và dài, các ống tre được người dân phơi khô để chống mối mọt và lâu mục.
Để đặt trúm lươn, phải cho nhiều loại cá tạp hoặc các con cua đồng, con còng… và đặc biệt những con này phải được nghiền ra cho nhuyễn để dậy mùi tanh của cá sông, đồng thời mòi để câu lươn thường được gói bằng lá môn, vì khi kết hợp với lá môn sẽ cho ra một mùi thơm tạo sự hấp dẫn để dụ cho lươn chạy vào trong trúm.
Lươn đồng vốn là món ăn ưa thích của nhiều du khách ghé qua miền Tây, đặc biệt là đến với vùng sông nước Vĩnh Long.
Lươn đồng thuộc lớp cá có xương cứng, cơ thể như rắn nhưng không có vây chúng thường thích sông lặng và ẩn mình trong các hang sình lầy ở các con mương và con rạch ở miền Tây, cứ vào mùa nước nổi chúng sinh trưởng nhiều hơn bình thường, cũng vì thế mà có thể nói lươn đồng là một phần đặc sản ở Vĩnh Long vào mùa con nước dâng cao, những con lươn trưởng thành thường dài khoảng 40 đến 80 cm, mỗi con thường nặng vài trăm gam đến 1kg.
Về Vĩnh Long vào mùa này du khách có thể trãi nghiệm cảm giác mặc áo bà ba đi xuống các con rạch nhỏ tự tay bắt những con lươn rồi chế biến thành các món ăn theo ý mình, đây cũng là loại hình mà các điểm du lịch đã khai thác và đưa vào vận hành được rất nhiều khách du lịch ưa chuộng.
Nhắc đến các món ăn đặc sản từ lươn đồng thì không thể nào bỏ qua món lươn đồng om lá cách, một món ăn đậm vị miền quê dân dã, nguyên liệu làm ra món ăn này điều từ tự nhiên và dễ tìm như: lươn đồng, lá cách, hành tây, xả, ớt và nghệ tươi, tinh túy của món ăn này không thể thiếu đó chính là nước cốt dừa.
Lươn sau khi đã được làm sạch và loại bỏ phần chất nhớt thì để ráo nước, sau đó bắt chảo lên bếp khử một ít tỏi với dầu và cho lươn vào chiên sơ thật nhanh, trở đều và lấy lươn đã chiên ra sắp vào nồi. Tiếp theo đổ nước cốt giảo (tức là nước cốt vắt lần thứ hai) vào nồi om và đun lửa riu riu, bỏ thêm vào đó là vài cọng xả đã được đập dập cột gọn, đun chừng khoảng 5 phút đến khi thấy da lươn đã hơi săn thì đổ vào nước cốt đặc (nước cốt vắt lần đầu tiên).
Về phần nước cốt đặc nêm vào đó một ít nước nghệ tươi đã được đâm nhuyễn một ít gia vị muối ăn và bột ngọt, tiếp tục đun cho đến khi nào thấy da lươn bắt đầu nứt ra thì cho lá cách vào và bắt nồi om xuống, trang trí lên đó vài cọng rau mùi và đậu phộng.
Đã ăn món lươn om lá cách thì không thể nào thiếu nước chấm ăn cùng, nước chấm được làm bằng nước cốt dừa thêm vào đó một vài gia vị muối, bột ngọt và sả bằm, vậy là đã có món nước chấm đậm vị ăn cùng món lươn om thơm ngon.
Cái vị tươi ngọt của hải sản đồng quê vừa được bắt lên chế biến hòa quyện cùng vị beo béo bùi bùi của nước cốt dừa và mùi thơm đặc trưng của lá cách, quả thật đây là món đặc sản miền sông nước dân dã mà khi đến Vĩnh Long du khách không thể nào bỏ qua.
Món lươn đồng om lá cách này khiến thực khách yêu thích không chỉ vì cái hương vị đồng quê mà còn vì nguồn dinh dưỡng chứa trong lươn đồng, cứ 100 gam thịt lươn sẽ cung cấp 18,7g chất đạm, 0,9g chất béo và nhiều chất khác như: phospho, canxi…và các nguồn vitamin B1,B2,B6…
Vì thịt lươn chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên rất bỗ dưỡng cho người già và trẻ em. Đồng thời trong lá cách chứa nhiều chất có tác dụng hỗ trợ mát gan, giải độc…và giúp điệu trị các bệnh xơ gan, đau bụng…sự kết hợp này mang lại một bài thuốc đông y quý giá từ đặc sản quê nhà.
Món Lươn om lá cách khi chế biến và thành phẩm-đặc sản Vĩnh Long mùa nước nổi.
Ngoài món lươn om lá cách, lươn đồng còn được chế biến thành các món ăn khác như: lẩu lươn cơm mẻ, lươn xào xả ớt,…được thêm vào các thực đơn tại các điểm du lịch.
Ngày nay để có được số lượng lớn lươn đem bán ra thị trường tiêu thụ, người nông dân xây dựng các hồ nuôi lươn nhân tạo với mục đích nhầm tăng giống lươn con và năng suất để có được nguồn lớn lươn cung cấp cho người tiêu dùng mỗi ngày.
Tuy nhiên giữa lươn được nuôi nhân tạo và lươn đồng thì lươn đồng vẫn là sự lựa chọn ưu tiên cho những thực khách “sành ăn” và đam mê với các món ăn đặc sản đồng quê vì trong con lươn đồng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và độ tươi ngon khi nó được sinh trưởng và nuôi dưỡng từ thiên nhiên.
Còn gì bằng khi về Vĩnh Long vào mùa nước nổi được hòa mình với thiên nhiên nơi đây, thưởng thức cảnh sông nước mênh mông, hữu tình và thơ mộng. Bên cạnh đó còn được trải nghiệm các món ăn đặc sản từ đồng quê dân dã, đặc biệt là các món ăn bổ dưỡng, thơm ngon và lạ mắt được chế biến từ lươn đồng Vĩnh Long.