Cà Mau có diện tích 35.000ha rừng ngập mặn, chủ yếu ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tận dụng lợi thế này, người dân Cà Mau đã phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng…
Cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản, sự phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, các địa phương, đơn vị và người dân triển khai thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, với sự hỗ trợ từ Tiểu dự án 8 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm- rừng vùng ben biển tỉnh Cà Mau, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), người dân nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau đạt hiệu quả rất khả quan.
Theo Ban quản lý Tiểu dự án 8, đến tháng 11/2022, Dự án đã hỗ trợ thành lập được 60 tổ nhóm, với trên 3.200 người tham gia, triển khai trên 10.600ha diện tích nuôi tôm rừng đạt chứng chỉ quốc tế, tạo ra giá trị 249 tỷ đồng/vụ.
Hiệu quả sử dụng tài nguyên nước tăng lên rõ rệt, khi lượng nước sử dụng đã giảm 120.000 khối/năm/4 ha; như vậy, với trên 10.600ha, lượng nước đã giảm khoảng 319 triệu khối/năm.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao…
Nuôi tôm sú dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau. Rừng ngập mặn Cà Mau chủ yếu ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tôm sú nuôi dưới tán rừng ngập mặn là tôm sinh thái, tôm sạch.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn carbon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới.
Sản phẩm tôm - rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác.
Ngoài ra, đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000 - 500.000ha/năm và hỗ trợ về con giống có chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm - rừng còn thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết…
Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi, qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ đã giúp hơn 01 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, hiện đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Để tìm giải pháp và tăng cường thêm các nguồn lực cho đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB tổ chức hội thảo về đề xuất Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB11).
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành hoạt động của WB đồng chủ trì, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tổng hợp đề xuất của Ban Quản lý trung ương các Dự án Thủy lợi, Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường.
Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.
Dự án WB 11 dự kiến nguồn kinh phí trên 500 triệu USD, với 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo WB.