Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2023 được ghi nhận tại mức 2.544 USD/tấn sau khi giảm 1,2% (tương đương 31 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 tại New York ở mức 147,45 US cent/pound sau khi tăng 0,31% (tương đương 0,45 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 11h36 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên hôm nay lặng sóng. Trong đó, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 63.600 - 64.400 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 63.600 đồng/kg.
Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 63.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 64.300 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch cà phê là 64.400 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, tuần qua, cà phê Arabica trải qua chuỗi giảm 8 ngày liên tiếp và giá chỉ hồi phục vào phiên cuối tuần. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, mặt hàng này đánh mất gần 5% giá trị, chốt ở sát mức 3.307 USD/tấn. Cà phê Robusta thậm chí lao dốc hơn 6%. Theo MXV, triển vọng mùa vụ tích cực tại Brazil giúp nguồn cung toàn cầu được củng cố là yếu tố chính gây áp lực lên giá cà phê trong tuần qua.
Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), chỉ trong 16 ngày đầu tháng 8, Brazil đã xuất khẩu được 400.200 bao cà phê Robusta loại 60kg.
Đây là mức xuất khẩu Robusta cao nhất so với cùng kỳ các tháng. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta đã xoa dịu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, CECAFE cũng cho biết, Brazil đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60kg, tăng 26% so với mức được vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ tháng trước. Đồng thời, tổng lượng cà phê vận chuyển trong 18 ngày đầu tháng 8 đạt hơn 2 triệu bao, tăng khoảng 500 nghìn bao so với cùng kỳ tháng trước.
Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD/Brazil tăng tuần thứ 3 liên tiếp cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, từ đó gây thêm sức ép lên giá cà phê.
MXV nhận định, tuần này, hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường. Các số liệu sẽ phản ánh cụ thể hơn về khả năng bù đắp thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu từ Brazil, từ đó tác động lên giá trên các Sở thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 8, cả nước xuất khẩu 37.400 tấn cà phê, thu về kim ngạch đạt 110,8 triệu USD; giảm 23,3% về lượng và nhưng chỉ giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ tháng trước.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương kim ngạch 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá xuất khẩu cà phê tăng cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, cà phê bị bạc lá là do thiếu lưu huỳnh. Đây là tình trạng hiếm hoi nhưng vẫn xảy ra ở 1 số vườn cà phê, chủ yếu là những vườn chưa cho trái. Bệnh bạc lá làm cho lá cà phê mất diệp lục và có màu bạc trắng. Khi bệnh xuất hiện, cây cà phê còi cọc.
Ở giai đoạn kinh doanh, nếu mắc bệnh này, năng suất sẽ bị sụt giảm trầm trọng do chùm trái của cây bệnh bị nám, kích thước trái không đạt, chỉ lớn đến một mức độ nào đó rồi đứng lại cho đến khi chín và thường chín chậm hơn so với cây không bị bệnh.
Nguyên nhân cây cà phê bị bạc lá
Bởi vì khi bón phân, thông thường bà con nông dân chỉ quan tâm đến việc bón bổ sung phân đa lượng như NPK. Trong khi những nguyên tố khác như trung vi lượng cũng cực kỳ cần thiết, đặc biệt là đối đất trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên thường là đất chua, độ pH thấp, lượng lưu huỳnh vì thế cũng nghèo nàn. Trong khi đó độ pH cần thiết của cây cà phê phải đạt từ 5,2-6,2.
Để khắc phục tình trạng này, bà con cần làm theo các bước sau:
Yếu tố đầu tiên cần phải chú ý đến là phân bón: Bà con cần cân đối liều lượng bón phân cho vườn cây, đảm bảo thật hợp lý.
Hàng năm, bà con cần cần bổ sung thêm phân bón chứa gốc lưu huỳnh như phân sunfat đạm, sunfat kali cho cây cà phê. Mục đích là tăng thêm liều lượng lưu huỳnh trong đất. Tuy nhiên, bà con cũng đừng bón quá nhiều mà chỉ bón bổ sung vừa đủ cho cây. Vì bón nhiều sẽ dư thừa lưu huỳnh, cũng không tốt cho cây.
Đối với cà phê, lượng phân lưu huỳnh cần thiết cho 1 ha là 40-60 kg. Nếu bón nhiều hơn, cây sẽ bị ngộ độc dẫn đến tình trạng cháy lá và chết đọt non.
Khi thấy vườn cây có dấu hiệu bệnh, bà con cần phải bổ sung lưu huỳnh cho cây bằng cách pha sunfat lưu huỳnh hoặc là sunfat kẽm nồng độ 0.1%. Sau đó, bà con cho vào bình rồi phun tán cây, số lần phun là 1 đến 2 lần tùy tình trạng nặng nhẹ của bệnh. Lần phun thứ 2 cách lần thứ nhất 15 ngày. Thời điểm phun thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa.
Như vậy, để phòng cây cà phê bị bạc lá, ngoài việc bổ sung đầy đủ các nguyên tố trung vi lượng, bà con cũng cần bổ sung thêm các loại phân hữu cơ, kết hợp với che phủ đất nhằm tăng cao độ phì nhiêu cho đất, giúp cải tạo tốt độ pH và tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.