Giá cà phê 20/8: Giới đầu cơ bỏ cà phê tìm vàng, dầu
Giá cà phê 20/8: Giới đầu cơ bỏ cà phê tìm vàng, dầu
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 20/08/2023 10:19 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 20/8: Tuần qua, thị trường cà phê trong nước có xu hướng giảm. Vào cuối tuần, các địa phương ghi nhận giảm 2.900 - 3.000 đồng/kg so với đầu tuần. Trên 2 sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê tăng - giảm trái chiều phiên cuối tuần...
USDX mạnh lên trong rổ tiền tệ đã làm giá cả hàng hóa nói chung sụt giảm vì thị trường thiếu vắng sức mua.
Tính chung cả tuần này, thị trường London có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng giữa tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 128 USD, tức giảm 4,79 %, xuống 2.544 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm tất cả 154 USD, tức giảm 6,12 %, còn 2.363 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm liên tiếp đầu tuần. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 10,35 cent, tức giảm 6,56 %, xuống 147,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 7,70 cent, tức giảm 4,88 %, còn 150,00 cent/lb, các mức giảm cũng rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên giảm 2.900 – 3.000 đồng so với đầu tuần, xuống dao động trong khung 63.600 - 64.400 đồng/kg, giá bán trung bình ở mức 64.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng đang ở mức 63.600 đồng/kg. Giá cà phê ở tỉnh Đắk Nông là 64.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại một số địa phương khác trong khu vực như ở huyện Cư M'gar, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đang được thu mua ở mức 64.300 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng ở mức 63.700 đồng/kg.
Nổi bật trong tuần là USDX mạnh lên trong rổ tiền tệ đã khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ làm giảm sức mua hàng hóa nói chung. Các quỹ và đầu cơ cà phê đã mạnh tay thanh lý chuyển vốn sang các thị trường phái sinh khác như dầu thô, vàng, do có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, áp lực bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch giai đoạn cuối ở Brazil kết hợp với đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 trên cả hai sàn buộc các quỹ và đầu cơ mạnh tay thanh lý, cân đối vị thế do đã “quá mua” trước đó.
Theo Công ty tư vấn HedgePoint Global Market, trong tháng 7 Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 230.000 bao cà phê Conilon Robusta từ Brazil theo phương thức giao trực tiếp tại cảng Antwerp Bỉ mà không qua sàn London đấu giá để giảm bớt các loại chi phí.
Tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ sáu ngày 18/08 đã giảm thêm 10.700 tấn, tức giảm 21,69% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 38.640 tấn (khoảng 644.000 bao, bao 60 kg), vẫn không thấy có sự bổ sung nào được ghi nhận.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023 so với tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê của ta tới một số thị trường truyền thống giảm, gồm Đức, Hoa Kỳ, Nga, Bỉ. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Italy và Hà Lan tăng trưởng lên đến 3 con số.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang các thị trường Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang Italy, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Algeria, Hà Lan, Mexico tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỹ thuật bón phân hiệu quả cho cây cà phê
Nguyên tắc chung: Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, bón phân cho các loại cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng phải đảm bảo các nguyên tắc: Bón phân cân đối (đúng tỷ lệ). Bón phân kịp thời vụ (đúng lúc). Bón phân đúng cách. Bón phân đủ hàm lượng (đúng hàm lượng).
1. Phân hữu cơ
1.1. Liều lượng và thời điểm bón phân hữu cơ
Loại phân
Liều lượng bón
Phân chuồng
- Trồng mới: 8-10 tấn/ha
- Các năm sau: 10 tấn /ha (2 năm bón 1 lần)
Phân hữu cơ vi sinh
1,2-2 tấn/ha/năm
Tàn dư thực vật hữu cơ (cỏ dại, phế phụ phẩm từ việc tạo hình, vỏ quả cà phê)
Giữ lại tất cả tàn dư thực vật trên vườn cà phê (trừ những thân, cành bị nhiễm bệnh phải đem ra ngoài tiêu hủy)
Phân chuồng và vỏ cà phê được ủ hoai mục trước khi bón, phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, rãnh được đào theo hình vành khăn dọc theo một bên thành bồn, rộng 20cm, sâu 25-30cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh được đào và bón phân hữu cơ theo hướng khác.
Kỹ thuật xử lý vỏ cà phê làm phân bón
Nguyên liệu: 1 tấn vỏ cà phê + 50kg phân lân + 200-250kg phân chuồng + 8-10kg vôi + 8-10kg urê + 2-3kg men ủ vi sinh vật (chế phẩm nấm Trichoderma).
Kỹ thuật ủ như sau:
- Phối trộn nguyên liệu: trộn đều vỏ quả cà phê, phân chuồng, phân lân, phân urê theo tỷ lệ trên, kết hợp tưới nước cho đến khi đống ủ nguyên liệu có độ ẩm từ 50-60% (dùng tay bốc lên, nắm chặt thấy có nước rỉ ra là được). Sau đó đánh luống nguyên liệu cao khoảng 1,5-2,0m. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ tránh mưa, nắng.
- Hoạt hóa men: sau 5 ngày ủ, hòa 2-3kg vi sinh vật trong 200 lít nước sạch + 1kg rỉ mật mía hoặc đường kính + 0,1 kg urê khuấy đều cho tan hết hỗn hợp.
- Tưới men: Sau khi đã hoạt hóa men xong, tiến hành tưới toàn bộ hỗn hợp men (kể cả phần cặn không tan) lên đống nguyên liệu và trộn đều. Sau đó gom nguyên liệu thành đống cao 1,5m, rộng 2-2,5m, chiều dài tùy theo vị trí và khối lượng nguyên liệu. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, nắng.
- Đảo đống nguyên liệu: Sau khi ủ được từ 20-30 ngày, tiến hành đảo trộn lại đống ủ, nếu thiếu ẩm, cần bổ sung thêm nước để đạt được độ ẩm từ 50-60%. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, tránh nắng. Đống nguyên liệu ủ trong 2,5-3 tháng sẽ hoai mục và có thể đem đi bón cho cây trồng. Liều lượng và cách bón thực hiện như quy trình bón phân hữu cơ khác đã được khuyến cáo.
2. Phân hóa học
Để xác định chế độ phân bón cân đối và hợp lý cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây cà phê. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, phân tích lá thì có thể áp dụng định lượng phân bón vô cơ như sau:
2.1. Liều lượng phân bón vô cơ cho cà phê vối (tính theo hàm lượng nguyên chất):
Tuổi cây
Kg nguyên chất
N
P2O5
K2O
Năm 1
60
60
30
Năm 2
120
75
100
Năm 3
150
90
130
Năm 4 trở đi
280
100
300
Lưu ý: Cứ mỗi tấn cà phê nhân khô tăng thêm cần bón tăng 60kg N+ 20kg P2O5+ 60kg K2O
Lượng phân thương phẩm bón cho cà phê hàng năm:
Nếu dùng các loại phân đơn thì bón với lượng như sau
Tuổi cây
Loại phân
Sunphát Amôn (SA)
Urê
Lân super
Kali Clorua
Năm 1
-
130
400
50
Năm 2
80
220
500
170
Năm 3
100
280
600
280
Năm 4 trở đi
200
520
700
500
Nếu dùng các loại phân hỗn hợp như NPK16-16-8 + 13S thì dùng với lượng sau:
Tuổi cây
Loại phân
Sunphát Amon (SA)
Urê
Phân NPK
16:16:8+13S
Kali Clorua
Năm 1
0
0
400
0
Năm 2
0
93
500
103
Năm 3
0
117
600
200
Năm 4 trở đi
0
368
700
407
Thời kỳ bón phân
Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón phân có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng. Ở Lâm Đồng, mỗi năm có thể bón 4 lần như sau:
Lần 1 (giữa mùa khô, kết hợp tưới nước lần 2, tháng 1-2): Bón 100% lượng phân SA.
Lần 2 (đầu mùa mưa, tháng 5-6): 30% phân urê, 30% phân kali và 100% phân lân.
Lần 3 (giữa mùa mưa, tháng 7-8): 40% phân urê, 30% phân kali.
Lần 4 (cuối mùa mưa, tháng 9-10): 30% phân urê, 40% phân kali.
Riêng năm thứ nhất (năm trồng mới): bón lót toàn bộ phân lân, phân urê và kali được chia đều và bón 2 lần trong mùa mưa.
Nếu sử dụng phân NPK16-16-8 +13S, urê, kali clorua thì bón như sau:
Lần 1: Bón 80% lượng phân urê.
Lần 2: Bón 60% phân NPK + 20% phân kali.
Lần 3: Bón 40% phân NPK + 40% phân kali.
Lần 4: Bón 20% phân urê còn lại + 40% phân kali còn lại.
Đối với trồng mới thì bón lót 70% lượng phân NPK, 30% còn lại bón sau trồng 2 tháng trong mùa mưa.
Cách bón:
- Phân lân: rải đều trên mặt, cách gốc 30-40cm. Lưu ý: Không được trộn phân lân nung chảy với phân đạm.
- Phân đạm và kali có thể trộn đều và bón ngay. Đào rãnh chung quanh tán cây cà phê, rộng 10-15cm, sâu 5cm, rải phân đều và lấp đất.
Bón phân trung, vi lượng
Ngoài các yếu tố đa lượng (N, P, K), cây cà phê cần một số nguyên tố trung, vi lượng (Zn, B, Mn, Mg...).
Khi vườn cà phê có triệu chứng thiếu các yếu tố trung, vi lượng, có thể cung cấp các chất này cho vườn cà phê bằng cách phun qua lá các hợp chất có chứa các nguyên tố cần thiết đó.
Một số hợp chất có chứa trung, vi lượng thường dùng cho cây cà phê:
Nguyên tố vi lượng
Hợp chất hóa học
Nồng độ sử dụng (%)
Zn
ZnSO4
0,4 - 0,6
B
H3BO4
0,3 - 0,4
Mg
MgSO4
0,4 - 0,6
Mn
MnSO4
0,4 - 0,6
Cách bón: Phun 600-800 lít dung dịch hòa tan hợp chất cần thiết/ha hoặc bón vào gốc cùng với phân vô cơ.
Ngoài ra, để tăng khả năng sinh trưởng phát triển và phục hồi bộ rễ cà phê có thể sử dụng một số loại phân bón lá để phun hoặc tưới gốc cho cà phê theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.