Dân Việt

Trung Quốc “dè dặt” tiếp tục hạ lãi suất trong bối cảnh kinh tế rơi vào giảm phát

Ngọc Diệp 22/08/2023 08:20 GMT+7
Liên tiếp những thông tin từ lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cho thấy động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang yếu đi.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào ngày hôm nay công bố hạ lãi suất các khoản vay thời hạn 1 năm, tuy nhiên không thay đổi lãi suất với các khoản vay 5 năm. Theo đánh giá của giới chuyên gia, quyết định lãi suất này như vậy không mạnh tay như kỳ vọng trước đó dù rằng gần đây Trung Quốc đón nhận nhiều dữ liệu cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới yếu đi.

Giới chức Trung Quốc không nới lỏng tiền tệ mạnh tay như kỳ vọng

Cụ thể, PBOC hạ lãi suất khoản vay thời hạn 1 năm, loại lãi suất dùng để tính toán phần lớn lãi suất cho các khoản vay doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Trung Quốc, 10 điểm cơ bản từ mức 3,55% xuống 3,45%, mức hạ lãi suất thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia. Đây là lần thứ 2 trong 3 tháng gần đây Trung Quốc hạ lãi suất.

PBOC duy trì lãi suất các khoản vay thời hạn 5 năm, loại lãi suất của phần lớn các khoản thế chấp, không thay đổi ở mức 4,2%, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng hạ 15 điểm cơ bản của các chuyên gia. Hiện tại Trung Quốc đang đương đầu với nhiều thách thức về kinh tế, trong đó nổi bật nhất phải kể đến tình trạng thanh khoản khó khăn và rủi ro vỡ nợ tại nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Tập đoàn bất động sản Country Garden hiện đang bên bờ vực vỡ nợ cùng lúc đó vào tuần trước tập đoàn Evergrande nộp hồ sơ xin phá sản tại Mỹ theo chương 15 của Luật Phá sản Mỹ.

Giới chức Trung Quốc hạ lãi suất trong bối cảnh kinh tế rơi vào giảm phát - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào ngày hôm nay công bố hạ lãi suất các khoản vay thời hạn 1 năm, tuy nhiên không thay đổi lãi suất với các khoản vay 5 năm.

“Thông báo mới nhất liên quan đến lãi suất các khoản vay của PBOC củng cố cho quan điểm của chúng tôi rằng PBOC nhiều khả năng sẽ không hạ lãi suất mạnh tay hơn so với kỳ vọng để khôi phục nhu cầu tín dụng trong thời gian tới”, chuyên gia phụ trách Trung Quốc tại tổ chức Capital Economics – ông Julian Evans-Pritchard phân tích.

Cũng theo ông Julian, hy vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc đến từ các gói kích thích kinh tế phụ thuộc nhiều hơn các công cụ tài khoá hỗ trợ. 

Phiên ngày hôm nay trên thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông hạ khoảng 1,8% xuống ngưỡng thấp nhất tính từ cuối tháng 11/2023, chỉ số cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông giảm 1,9%.

Động thái mới nhất của PBOC được đưa ra sau loạt động thái hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn trong ngày thứ Ba tuần trước, sau khi hàng loạt các số liệu kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng chững lại cũng như rủi ro giảm phát leo thang, tâm lý thị trường vì vậy lo lắng nhiều hơn về khả năng kinh tế chững lại.

PBOC vào ngày Chủ Nhật nói rằng Trung Quốc sẽ phối hợp các chương trình hỗ trợ tài chính nhằm giải quyết rủi ro nợ nần của chính quyền nhiều tỉnh thành cũng như hạ tối đa rủi ro hệ thống, cùng lúc đó tùy biến chính sách tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và giảm chi phí tín dụng cho nền kinh tế.

Tuần trước, PBOC hạ lãi suất với các kênh cho vay thời hạn 1 năm tại một số tổ chức tài chính, mức hạ 15 điểm cơ bản xuống ngưỡng từ 2,5% đến 2,65%. Lãi suất cho vay qua đêm, thời hạn 7 ngày và 1 tháng đều được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản xuống 2,65%, 28% và 3,15%.

Kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát

Theo CNBC, kinh tế Trung Quốc đã chính thức rơi vào giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 7/2023 hạ lần đầu tiên trong hơn 2 năm khi mà nhu cầu tiêu dùng không ngừng suy yếu.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tháng 7/2203 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần đầu tiên tính từ tháng 2/2021 chỉ số giá tiêu dùng hạ.

Chi phí thực phẩm, đi lại và hàng hóa tiêu dùng đồng loạt giảm trong tháng 7/2023. Đặc biệt, giá thịt lợn giảm 26% còn giá rau giảm 1,5%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số đo lường giá cả hàng hóa mà các doanh nghiệp nhập vào, trong tháng 7/2023 cũng giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PPI như vậy đã giảm liên tiếp 10 tháng và đây là lần đầu tiên tính từ tháng 11/2020 khi mà chỉ số giá sản xuất và giá tiêu dùng cùng giảm trong vòng 1 tháng.

Dấu hiệu giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã ngày một rõ ràng hơn trong nhiều tháng gần đây, thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo lắng về kịch bản Trung Quốc có thể rơi vào khoảng thời gian trì trệ kéo dài.

Giới chức Trung Quốc hạ lãi suất trong bối cảnh kinh tế rơi vào giảm phát - Ảnh 2.

Liên tiếp những thông tin từ lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cho thấy động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang yếu đi.

“Bằng chứng cho thấy giá cả tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm không khỏi củng cố cho quan điểm của nhiều chuyên gia về việc kinh tế Trung Quốc đang chững lại trên diện rộng”, chuyên gia phân tích tại tổ chức tài chính ING trong nghiên cứu công bố vào ngày thứ Tư nhấn mạnh.

Trong giai đoạn quý 2/2023, GDP Trung Quốc gần như không tăng trưởng so với quý liền trước đó bởi đà phục hồi tăng tốc của hoạt động kinh tế sau khi các biện pháp hạn chế đi lại ngăn dịch COVID-19 được gỡ bỏ. Trung Quốc đồng thời đương đầu với khoảng thời gian suy giảm kéo dài trong lĩnh vực nhà đất và thương mại.

Tại Trung Quốc, giới chức không đưa ra các biện pháp kích hỗ trợ bằng tiền kiểu như tại các nước phát triển. Dù rằng điều này giúp ngăn việc tạo ra cú sốc lạm phát mà nhiều người từng chứng kiến ở những nới khác, thu nhập khả dụng người dân giảm khi mà mức lương và giá trị tài sản bất động sản đi xuống, theo phân tích của ngân hàng UBS.

Các chuyên gia đồng thời cho rằng Bắc Kinh nên có các kế hoạch mạnh tay hơn nhằm khôi phục niềm tin và kích thích tiêu dùng tăng trưởng.