Clip: Chùa cổ Thanh Lương tọa lạc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh)
Chùa Thanh Lương (còn gọi là Quốc Linh Tự) là một ngôi chùa cổ có từ thời Lý, khi hoàng tử Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ vào trấn giữ Hoan Châu, lập đồn binh ở đồi Quy Cương thuộc làng Ao Cầu, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Ngôi chùa cổ được xây trên một khu đất cao ráo, rộng khoảng 2ha thuộc làng Khải Mông (tên làng này cũng được nhà vua đặt cho), nay là khối 11 và 12 thị trấn Xuân An.
Nơi đây có phong cảnh hữu tình, giao thông thuận tiện. Phía Nam là đường quốc lộ 8B; phía Bắc có dòng sông Lam. Bên kia bờ sông Lam là doi Cồn Mộc còn tiềm ẩn nhiều dấu tích nhất là thời vua Quang Trung, "Cồn Mộc bình sa" là một trong bát cảnh của huyện Nghi Xuân.
Ngôi cổ tự này trước đây là nơi để các vua đến lễ phật cầu kinh và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đồng thời là nơi khuyến cáo và khơi dậy lòng yêu nước bảo vệ giang sơn của dân tộc.
Chùa có 2 tòa, tòa thượng dành khi vua về Hoan Châu làm lễ. Tòa hạ dành cho các bá quan văn, võ cùng với Nhân dân hướng lên Tam Bảo khai kinh.
Nội dung khai kinh của nhà vua là:
"Phổ dụ chúng sinh hoàng dương ư chánh pháp
Trừ thập ác, dành thập thiện, hướng tòa sen".
Đồng thời phổ dụ khuyến cáo lòng yêu nước của chúng sinh. Sau khi khai kinh lần đầu ở chùa Thanh Lương, nhà vua xa giá lên núi Hồng Lĩnh theo đường Thiên Lộc và gợi ý xây dựng chùa Hương Tích.
Về kinh, vua lần lượt cử các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sa môn đến trụ trì hầu kinh ở chùa, 3 vị hòa thượng sống trên 100 tuổi. Có vị đại thọ 107 tuổi, tiếc là nay không còn lưu lại pháp danh. Nay ở chùa vẫn còn 3 am lớn.
Còn 4 vị Đại đức đều có lăng mộ nhỏ xây bằng gạch, 7 sa môn và người phục vụ có 7 phần mộ bằng đất. Mỗi khi có 1 vị hòa thượng nhập diệt, nhà vua liền phái người về thay thế.
Chùa có nhiều bản gỗ khắc kinh pháp, tiếc là nay không còn. Chùa đã được bảo toàn và tu sửa qua các triều đại phong kiến từ Lý đến Nguyễn. Sau Cách mạng tháng Tám vẫn có nhà sư Nguyễn Văn Thành danh là Tam Văn trụ trì.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, sau Cách mạng tháng Tám (1946 - 1954) chùa trở thành trung tâm lớn được hợp tự từ các nơi như: chùa Long Khánh (Tiên Cầu), đền Văn Giác (Tả Ao), chùa Tháp, chùa Ngọ (Ngọc Lam), có đến hàng trăm pho tượng, trong đó có pho tượng thạch nhũ lớn, mỗi pho nặng trên 50 kg từ Ấn Độ mang sang, nơi khắc dấu nay vẫn còn. Chiếc chuông đồng có lẫn vàng nặng 120 kg, xã đã đem ra hiến trong tuần lễ vàng (1946).
Trước cách mạng, chùa Thanh Lương là nơi liên hệ hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Trong thời kỳ chống xâm lược Mỹ, chùa gần doanh trại K43, chùa bị chiến tranh tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, không còn các nhà sư trụ trì. Chùa trở thành phế tích. Sau ngày thống nhất đất nước, một số tín đồ phật giáo và Nhân dân ngỏ ý khôi phục lại chùa.
Tháng 6/1994, người dân địa phương khi đào giếng phát hiện 3 pho tượng Ấn Độ. Một số tín đồ và quần chúng địa phương xin chính quyền xã và mặt trận các cấp khôi phục. Sau đó nhà sư Diệu Niệm trụ trì ở chùa Cần Linh thuộc thành phố Vinh cũng ngỏ ý can thiệp phục hồi.
Năm 2007 Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Nguyên – trụ trì chùa Hương Tích về đây kiêm nhiệm trụ trì.
Thời kháng chiến chống Mỹ, chùa bị bom đạn tàn phá trở thành phế tích, tháng 2 năm 1996 chùa bắt đầu xây dựng lại. Đặc biệt năm 2012, chùa được xây dựng và trùng tu quy mô như diện mạo hiện nay. Cổng tam quan nằm trong hạng mục được xây dựng lại. Cổng được dựng vào tháng 1/2018 hoàn thành vào tháng 12/2019, có chiều dài 16m, chiều rộng 18m.
Hiện nay cơ ngơi ngôi chùa còn khiêm tốn, nhưng cũng đã có cảnh quan khá đẹp. Chùa có 2 điện nhỏ: Thượng điện thờ 3 pho tượng và chân dung phật ngọc Hồ Chí Minh, còn có thêm 9 pho tượng do các phật tử cúng công đức gồm: Tượng Đức Thích Ca, tượng Quan thế âm Bồ tát, tượng Địa tạng vương, tượng Dược sư lưu ly.
Ngoài ra còn có thêm nhà tăng, 1 gian bếp nhỏ, 1 giếng khơi. Vườn chùa có tháp Quan âm, cổng Tam bảo, bàn chúng sinh. Các am, mộ đã được tôn tạo lại. Khuôn viên được quy hoạch và trồng thêm nhiều cây xanh.
Qua nhiều năm trùng tu, đến nay chùa Thanh Lương được xây dựng lại với 19 hạng mục với tổng diện tích 5ha, có tổng mức đầu tư trên 133 tỷ đồng do các phật tử, quỹ thiện tâm và các doanh nghiệp trong và ngoài nước quyên góp và hàng ngàn ngày công của Nhân dân phật tử trong, ngoài tỉnh.
Theo Đại đức Thích Quảng Nguyên- Trụ trì chùa Thanh Lương cổng Tam quan là nơi hội tụ đoàn kết, tương thân tương ái, vô ngã vị tha, ở đó mỗi người một lòng góp sức cho việc chung và mang những ý nghĩa tâm linh to lớn. Cổng Tam quan cũng là nơi ươm mầm đạo đức con người.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết: "Chùa Thanh Lương là một di tích có niên đại tạo lập khá sớm, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa phong phú và quý hiếm, trong đó có những tư liệu về giao lưu văn hóa. Hàng năm ngoài việc tổ chức các ngày lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Hoa Đăng,... thì chùa Thanh Lương còn tổ chức khóa tu an lạc; tư vấn mùa thi cho thanh thiếu niên trong và ngoài tỉnh, nhằm giáo dục đạo đức, hướng thiện cho các em".
"Hiện nay, chùa Thanh Lương trở thành một địa chỉ sinh lễ hoạt văn hóa tâm linh của người dân, phục vụ nhu cầu tham quan, phật của du khách, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh", ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, nhấn mạnh.