Giới thiệu những trái na vỏ xanh bóng, mắt tròn căng, bà Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện ủy huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, người dân Chi Lăng ngày càng nâng cao trình độ canh tác, tạo ra những trái na có chất lượng thơm ngon, trái to đều. Việc đưa những giống na mới với canh tác đã tạo ra những trái na rất lớn, có những quả nặng tới gần 1kg. Đặc biệt, trên mỗi quả na đều được gắn tem có mã QR code để truy xuất nguồn gốc đến tận vườn.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện Chi Lăng ước đạt trên 2.300ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha.
Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
"Chúng tôi xác định sản xuất phải đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm an toàn, chất lượng", bà Nhàn cho biết.
Giống na đang xuất hiện nhiều trên thị trường na Lạng Sơn là giống na Thái, hay còn gọi là na nữ hoàng. So với na ta có vị ngọt sắc thì na nữ hoàng có vị ngọt thanh, còn quy trình canh tác, thời gian thu hoạch giống na ta.
Năm nay, việc tiêu thụ na của người dân tương đối thuận lợi, giá cả ổn định, cũng nhờ bà con áp dụng kỹ thuật gối vụ. Theo đó, thay vì chỉ thu hoạch rộ 1 vụ trong tháng 7 - 8, nông dân Lạng Sơn đã kéo dài vụ na đến tận cuối năm.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, một số giống na mới có giá trị kinh tế cao được nông dân các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đưa vào sản xuất như: na Thái Lan khoảng 30 ha, na nữ hoàng khoảng 25 ha, na sầu riêng 5 ha, na Đài Loan 5 ha.
Những giống na này đều được nông dân canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP, VietGAP, sử dụng các loại phân chuồng hoai mục để bón lót, thường xuyên cắt tỉa cành lá, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Chính vì vậy, năng suất những vườn na này có thể đạt từ 4,5 tấn đến 10 tấn quả/ha/vụ. Hiện giá bán các loại quả này trên thị trường từ 80.000 đến 400.000 đồng/kg tùy theo kích thước, hình dáng quả.
Theo bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn có 4.000 ha na, lớn nhất cả nước. Sản phẩm sản xuất theo VietGAP đã được gắn tem nhận diện. Tỉnh cũng đã xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dân nông dân đầu tư trong chăm sóc vườn cây, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với các nông sản chủ lực khác, bà Đinh Thị Thu cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến xây dựng mã số vùng trồng như thạch đen đã được trên 1.000 ha... Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo mã số vùng trồng được sử dụng đúng và chất lượng.
Tiếp nối thành công của chuỗi các "Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền" đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức "Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền" với chủ đề Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Với quy mô trên 80 gian hàng và 1.000m2 khu trưng bày, bán nông đặc sản vùng miền của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh thành như: Lạng Sơn, Hà Nội, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Thuận, Yên Bái... như: Nhãn lồng và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên; hoa hồi, quả mắc mật khô, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng vành khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, chanh rừng - Gà 6 ngón Mẫu Sơn, thanh long Bình Gia, trà Shan tuyết Hà Giang; trà hoa vàng Ba Chẽ Quảng Ninh; Chuối ngự Hà Nam;...
Đặc biệt, tham gia phiên chợ lần này, Sở Nông nghiệp và PTNT Lạng Sơn tổ chức khu gian hàng quảng bá, giới thiệu Na Chi Lăng - sản vật bậc nhất xứ Lạng từ vách núi đá vôi và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn.
Đây chính là dịp người tiêu dùng được tìm hiểu, trải nghiệm, nhận diện thương hiệu, phân biệt Na Chi Lăng với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: "Phiên chợ được tổ chức kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp và bán hàng bằng hình thức livestream qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ đem đến cho khách hàng có thêm phương thức giao dịch, mua sắm và tạo sự lan tỏa giá trị, cảm xúc khi trải nghiệm nông đặc sản địa phương tham gia Phiên chợ, khi được cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện sản xuất, tính độc đáo, thông điệp sản phẩm gắn với bản sắc, truyền thống, biểu tượng văn hóa; tiêu chuẩn chất lượng, quy trình chế biến, bảo quản... thông qua câu chuyện của từng sản phẩm", Ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.