Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan?

Thứ sáu, ngày 30/06/2023 19:19 PM (GMT+7)
Triền ngọn núi kỳ lạ có hình mặt quỷ nằm ở thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Chính vì vậy mà trước đây nơi này có tên gọi là Quỷ Môn quan, tức là cửa mặt quỷ.
Bình luận 0
Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 1.

Con đường độc đạo tuyệt đẹp đi qua Ải Chi Lăng, (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn).

Núi mặt quỷ bảo dân hộ quốc

Giữa màu xanh ngát ngàn của các triền núi nơi cửa Ải Chi Lăng, (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) bỗng nhiên có một khoảnh trơ trụi hõm đá màu nâu đỏ nham nhở có hình thù kỳ dị hao hao giống hai hốc mắt, cái mũi trên khuôn mặt của một con quái vật khổng lồ. 

Nhìn từ xa, khuôn mặt này có đầy đủ cả mắt, mũi rất quái dị. Không biết từ bao giờ, nơi này được đặt tên là núi Mặt Quỷ.

Người dân địa phương cho biết, không thể giải thích được tại sao vị trí của mặt quỷ từ ngàn đời nay vẫn không có cây cỏ nào mọc lên dù xung quanh cây cối đều tốt tươi mướt mát. 

Nơi này xưa kia có tiếng là rừng thiêng nước độc, non cao, vào mùa đông buốt giá mưa phùn gió bấc chỉ nghe tiếng gió hú cũng đã rợn tóc gáy. Lại thêm núi hình thù kỳ dị có tên Mặt Quỷ nên không một ai dám đặt chân.

Tuy nhiên, dù được coi là mặt quỷ, nhưng người dân không coi đấy là biểu tượng của cái ác, mà ngược lại, dãy núi này mang sứ mệnh bảo dân hộ quốc.

Người dân cho rằng, nhờ có mặt quỷ phù hộ, mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua của Tổ quốc ta.

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 2.

Theo sử sách, nơi đây đã chứng kiến nhiều trận thắng oanh liệt chống sự xâm lăng của phương Bắc, bảo vệ nền độc lập chủ quyền của non sông đất nước. Có thể kể đến như trận Lê Hoàn đánh tan quân Tống năm 981, trận nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt quân xâm lược nhà Minh năm 1427.

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 3.

Đoàn du khách Hà Nội chụp ảnh lưu niệm dưới chân núi Mặt Quỷ, (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn).

Xung quanh việc chủ tướng nhà Minh là Liễu Thăng bị chém đầu năm 1427 ở Quỷ Môn Quan, đến nay người dân vẫn truyền tai nhau về một giai thoại liên quan đến núi đá hình mặt quỷ. Giai thoại kể rằng Liễu Thăng bị tướng Lam Sơn là Lê Sát chém ở núi Mã Yên nhưng lúc này đầu chưa bị đứt. Liễu Thăng cố gắng chạy ngược về mạn Bắc.

Đi được khoảng 3 dặm thì đến chân núi Mặt Quỷ. Liễu Thăng nhìn thấy mặt quỷ sợ hãi hồn xiêu phách lạc, ngã ngựa, đầu rơi xuống đất. Sau đó thân của Liễu Thăng hóa thành một tượng đá cụt đầu. Hiện nay, người dân gọi tượng đá cụt đầu này là Liễu Thăng Thạch.

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 4.

Di tích lịch sử núi Mã Yên (núi hình yên ngựa) tương truyền nơi đây xưa kia tướng giặc Liễu Thăng bại trận thảm hại và mất mạng.

Sau những thất bại, giặc phương Bắc kinh hãi Quỷ Môn Quan và lưu truyền câu thành ngữ: “Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Dịch nghĩa: đi qua cửa ải Quỷ Môn, mười người đi thì chỉ có một người quay lại.

Là nỗi kinh hoàng với giặc ngoại xâm nhưng trong lòng người dân địa phương, núi hình mặt quỷ trở thành biểu tượng ban phước lành, may mắn. Được biết vào dịp kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng, dịp lễ hội người dân thường mang lễ thắp hương khấn vái, tạ ơn thần núi. Hàng năm mỗi mùa thi cử, các gia đình thường đến đền Quỷ Môn Quan (ngay gần chân núi hình mặt quỷ) để cầu nguyện đỗ đạt, may mắn.

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 5.

Toàn cảnh quần thể di tích Ải Chi Lăng – nơi được coi là Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất Việt Nam với 52 điểm di tích ghi dấu những chiến công chói lọi trong lịch sử bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tự hào Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất Việt Nam

Núi Mặt Quỷ nằm trong quần thể di tích Ải Chi Lăng – nơi được coi là Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất Việt Nam với 52 điểm di tích ghi dấu những chiến công chói lọi trong lịch sử bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc ta.

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 6.

Bia tóm tắt lịch sử Ải Chi Lăng.

Ải Chi Lăng không chỉ là một địa danh đẹp đứng sừng sững giữa đất trời mà ẩn sâu trong đó còn là sức sống mãnh liệt một thời của hào khí Rồng Tiên. Xưa kia, chính nhờ địa hình độc đáo với những dãy núi cao, cây cối bao phủ, Ải Chi Lăng tạo nên một trận đồ hiểm yếu và trở thành bức tường thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa trước những cuộc xâm lược của quân giặc phương Bắc. 

Lịch sử của vùng biên ải này gắn liền với những chiến công hiển hách của các bậc anh hùng hào kiệt như Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt, Hoàng Đại Huề…

Một triền ngọn núi ở Ải Chi Lăng của Lạng Sơn có hình thù thế nào mà nơi này từng gọi là Quỷ Môn quan? - Ảnh 7.

Đến thăm Khu Di tích, du khách sẽ có những bức hình lưu niệm tuyệt đẹp.

Cụ thể, ải Chi Lăng ghi dấu những chiến thắng hào hùng của dân tộc qua 2 lần chống quân Tống xâm lược (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 - 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những năm 1882 - 1888.

Ngày nay, cùng với Khu di tích Ải Chi Lăng, núi Mặt Quỷ, Quỷ Môn quan trở thành một địa chỉ về nguồn bổ ích để giáo dục lịch sử, tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ và cũng điểm du lịch kỳ thú đối với du khách gần xa khi đến Lạng Sơn.

Diệu Minh (Báo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem