"Đêm qua, tôi nhắn tin cho Chủ tịch của hai ngân hàng TMCP lớn, người ta cứ nói mãi rằng muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay" - đây là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đang hot rần rần trên mạng xã hội mấy ngày nay.
Không phải Phó Thống đốc vui miệng mà nhắc các ngân hàng đâu, có mang thân đi vay mới thấu, ngân hàng có trăm phương ngàn kế để "luộc khách".
Tôi có một khoản vay ở một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) thuộc "top 30" Việt Nam, lúc vay lãi suất đã cao còn bị ép cộng thêm phần trăm lãi ngoài mới được giải ngân, khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, mức tối thiểu là 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thì mừng quá, gửi email hỏi xem khoản vay của mình được giảm lãi suất như thế nào.
Câu trả lời tôi nhận được ráo hoảnh đến kinh ngạc: Khoản vay của chị theo hợp đồng là lãi suất thả nổi 13 tháng + 4,5% = 13,5%. Quá sốc vì các ngân hàng đều đồng loạt quảng bá hoặc báo cáo ngân hàng nhà nước lãi suất cho vay đã về dưới ngưỡng 10%.
Nhóm ngân hàng "Big 4" (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) còn công bố lãi suất cho vay giảm về ngưỡng chỉ 7-8%, tôi cố hỏi thêm: Vì sao biên độ lại cao như vậy? Nhân viên ngân hàng tiếp tục giải thích lòng vòng: "Tối thiểu lãi suất vay dài hạn đang như thế nên phải theo mức này".
Nghĩa là bất chấp Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi báo cáo lãi suất cho vay, báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, bất chấp cả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, về giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ), các ngân hàng vẫn "ép" khách vay theo biên độ ++ và hợp đồng vay vốn đã ký trước đó chỉ để làm vì, che mắt, khách vay chỉ có thể chấp nhận "lãi suất miệng" này hoặc không vay được.
Đúng là muốn vay lãi suất thấp thì "lên tivi mà vay". Việc cho phép khách hàng cá nhân có tín nhiệm cao tìm được lãi vay thấp trong quá trình vay bằng cách chuyển khoản vay từ tổ chức tín dụng này sang tổ chức tín dụng khác (có lãi suất thấp hơn) cũng mới chỉ nhìn thấy trên mặt báo và tivi chứ chưa thấy doanh nghiệp nào, cá nhân nào chuyển được khoản vay như vậy.
Các khoản vay cá nhân lãi suất đã tới 14-15%, thì các doanh nghiệp mong vay được lãi suất thấp như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thực sự là điều không tưởng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, nếu doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất 14-15%, nói như TS Lê Xuân Nghĩa tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 vừa rồi: "Chỉ có đi buôn thuốc phiện mới có lãi".
Tại diễn đàn này, TS Nghĩa cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng lãi suất vẫn ở mức "rất cao chứ không phải là cao" và "không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy".
"Lên tivi mà mua", "lên tivi mà vay", không phải câu nói đùa theo "trend". Nó phản ảnh một thực trạng lâu nay vẫn tồn tại trong công tác điều hành: "Trên bảo dưới không nghe", "trên chỉ đạo, dưới luồn lách" và kết cục người chịu thiệt chính là người dân, là khách hàng.
Nếu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy, đã cảnh báo được hiện tượng các Ngân hàng có thể "đi đêm lãi suất", thì đừng chỉ nhắn tin cho lãnh đạo vài ngân hàng, mà nên thiết lập đường dây nóng để khách hàng bị vay lãi suất cao hơn mức Ngân hàng Nhà nước quy định, hay bị ngân hàng giở đủ chiêu trò "ép vay" có kênh phản ảnh. Kênh này sau khi tiếp nhận nên thanh tra kiểm tra công tâm, không được bỏ qua các sai phạm của ngân hàng dù vì bất cứ lý do nào.
Còn bản thân các ông, bà chủ Bank, nhất là các Bank tư nhân, cũng cần sát sao cấp dưới hơn nữa. Kinh doanh vì lợi nhuận nhưng cũng đừng ép người vay quá đáng, thực sự ép khách vay là thất đức không khác gì các tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.
Niềm tin thị trường thời gian qua đã rất mong manh, kiệt quệ. Để lấy lại niềm tin ấy, các ngân hàng phải giảm lãi suất và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp.
Nền kinh tế phục hồi được hay không, nằm ở lãi suất tăng hay giảm thực tế chứ không phải là lãi suất giảm trên tivi.