Đừng để làng bản thoát nghèo mà học sinh khó khăn hơn khi đi học

Trần Đăng Tuấn Thứ sáu, ngày 18/08/2023 20:12 PM (GMT+7)
Chúng tôi gặp nhiều các hiệu trưởng các trường vùng cao ở các xã đã hoặc đang vẫn là nơi đặc biệt khó khăn. Bức tranh chung là sự nghèo giảm đi, xã của họ đã và sắp thoát khỏi "vùng 135". Và cái chung là nỗi lo "mất học sinh", nỗi lo lại quay về "điểm trường ở bản" với nhiều hệ lụy cho việc dạy và học.
Bình luận 0

Trường liên cấp Suối Giàng là ngôi trường lớn, to đẹp không kém, mà có phần còn hơn nhiều trường công giữa Hà Nội. Ba dãy nhà tầng trên đỉnh đồi là các lớp học cho  học sinh. Dưới chân đồi lấp lánh mái hai dãy nhà tầng, là ký túc xá cho học sinh nội trú từ các bản xa. Giữa là khu thể thao và khu nhà ăn. 

Cách ngôi trường mới mẻ này một quãng đường núi thôi, là các nếp nhà của hai khu trường cũ . Những ngôi nhà cấp 4 lộn xộn của học sinh tiểu học. Trước khi có ngôi trường mới, đây là "cơ ngơi" của thày trò Suối Giàng. 

Những dãy nhà gỗ , nhà tưởng đất xây gió lùa, nơi những đứa trẻ phong phanh mùa rét hai ba đứa chung một giường, 7-8 giờ tối đã im ắng như thể không có người ở. Chúng nó rúc vào chăn nằm ngay từ lúc trời mới tối, vì tránh cái rét cắt da trên đỉnh núi, và cái chính là vì chúng nó không có sức để nói đùa. 

Không đến nỗi đói cơm, nhưng cơm canh lõng bõng chẳng có tý chất đạm. Vì khi đó là "bán trú dân nuôi". Mỗi tuần bố mẹ cho con đùm gạo và…năm ngàn đồng để góp mua rau mua muối. Thày cô giáo san tiền lương của mình để thêm thức ăn cho các em. 

Nhưng học sinh thì đông, làm sao thày cô giúp nổi! Có lúc để lùa hết bát cơm, vài cậu học sinh chạy ra bể nước, vặn vòi nước chan vào cơm. Vào tuổi lớn mà ăn uống như thế, sức dâu để học, để nói đùa. Học sinh lên giường sớm lấy ngủ bù cho ăn.

Một loạt chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được ban hành  sau đó đã thực sự khiến hàng chục vạn học sinh vùng cao no bụng để có thể học hành. Mô hình "Bán trú dân nuôi" những năm qua được thay thế bằng mô hình "Nội trú nhà nước nuôi".  Học sinh nhà xa trường, ở nội trú, nhà nước nuôi ăn. Mỗi tháng mỗi em 600 ngàn đồng và 15 kg gạo. Sống tại trường, những đứa nhỏ vùng cao thực  ra là được ăn no, ăn ngon hơn ở nhà với bố mẹ.  

Chính sách hỗ trợ đó khiến cho các trường dân tộc nội trú ở vùng cao hút trẻ em đến trường. Khách quan mà nói, đó là yếu tố khiến việc tập trung học sinh về học tại trường chính (ở trung tâm xã) dễ dàng. Trước đó, mỗi bản có điểm trường. Học sinh học ở đó từ lớp 1 đến lớp 3 hoặc lớp 4. Thày cô giáo phải cắm bản để dạy. 

Đương nhiên là không thể có đủ giáo viên để dạy theo môn được. Mỗi lớp có thể chỉ 5-7 học sinh. Thày cô nhiều thì hai, nhiều khi chỉ có một (trừ những điểm trường lớn ở bản đông học sinh). Chuyện thường gặp là một thày dạy hai ba lớp. Mỗi lớp học có hai bảng đen. Thầy giáo đứng sang bảng phía này dạy lớp 2, lớp 3, rồi đi sang bảng đầu kia dạy lớp 1. 

Không thể có điều kiện để các em tiếp xúc sớm với tin học, phát triển thể chất, ngoại ngữ, …Chất lượng dạy và học không thể đảm bảo như ở trường nội trú tập trung, khi tất cả học sinh được học theo các khối lớp, có thày cô dạy chuyên từng môn, và có thể tham gia nhiều hoạt động tập thể, có thể tiếp cận với internet và thư viện, sân chơi thể thao…

Nhà nước có thể dồn nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho một trường lớn, lực lượng giáo viên không bị dàn mỏng ra hàng chục điểm thôn bản.

Chính vì thế, một sự thay đổi thật lớn đã có ở Suối Giàng: 900 học sinh tiểu học và trung học cơ sở chung một mái trường to đẹp. 430 học sinh từ các bản xa cha mẹ gửi gắm cho nhà trường nuôi ăn, chăm sóc tại trường cả tuần. Những đứa trẻ vùng cao giờ đây nhìn sáng sủa, khỏe mạnh, linh lợi như học sinh bất cứ nơi nào trên đất nước.

Nhưng hôm đó, khi từ lan can nhìn xuống sân trường, cuộc trò chuyện của chúng tôi với thày cô giáo Suối Giàng lại là nói về những lo âu. Lo âu ấy, thật oái ăm, lại là mặt bên kia của niềm vui.

Vui là đúng, vì Suối Giàng những năm qua thay đổi chóng mặt. Không chỉ chuyện nhà trường thay đổi, mà cả xã vùng cao này thay đổi. Mười ba năm trước lên Suối Giàng, chúng tôi không thể hình dung Suối Giàng hôm nay. Đường trải nhựa lên tận đỉnh núi trung tâm xã. Những dịp lễ tết, khách du lịch lên nghỉ tại các homstay và khu nghỉ dưỡng đông nườm nượp. Ô tô của khách đỗ chật các nẻo đường thôn. Nếu không sớm đăng ký sẽ không còn phòng nghỉ. Đường xá tốt, người dân chở quế, chè từ các bản về bán cho các điểm thu mua. Từ chỗ là xã nghèo theo diện 135, nay Suối Giàng thoát nghèo và rục rịch "lên" xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mừng nhưng giờ thày hiệu trưởng lại nơm nớp lo.

Chuyện là: Một khi các thôn thoát nghèo, thì chế độ "nuôi ăn" của nhà nước cho học sinh, lẽ đương nhiên, sẽ ngừng. Nói dễ hiểu thì học sinh vẫn ở ký túc xá, vẫn học nội trú, nhưng tiền ăn thì cha mẹ sẽ đóng cho bếp nhà trường. Dĩ nhiên đây là điều hợp lý. Nhà nước giúp là giúp khi dân đặc biệt khó khăn. Nay dân thoát nghèo, thì sự hỗ trợ theo cách "nuôi hộ hoàn toàn' con cái họ ăn học không còn hợp lý nữa, thậm chí, có thể vô hình trung khuyến khích tâm lý, thói quen "ỷ lại" .

Nhưng vấn đề ở chỗ người dân – tức là cha mẹ các em học sinh – sẽ đón nhận điều này thế nào?

Nếu đi sâu vào cuộc sống của bản làng xa nơi đây, sẽ thấy cũng không hẳn là mọi cái sẽ suôn sẻ khi ngưng chế độ hỗ trợ cho học sinh.

Một thôn thoát nghèo, là ta tính thu nhập bình quân. Nhưng nếu đi vào từng gia đình cụ thể, sẽ thấy bản thân sự "thoát nghèo" của mỗi hộ cũng rất mong manh. Ở vùng cao, nếu một nhà nuôi được một hai con bò khỏe mạnh, sinh bê nhân giống, thì có thể theo thu nhập dự tính đã thoát nghèo. Một vụ rét hại bò chết, thì lại có thể lại nghèo. 

Ở Suối Giàng, dân trồng chè và có bản trồng được quế. Nhưng thay đổi mà ta thấy là ở những chỗ, những hộ kinh doanh thu mua, chế biến, bán sản phẩm. Còn người trồng cây chè, cây quế ở tận trong núi xa, dĩ nhiên có khá hơn, nhưng cũng chẳng nhiều.

Hộ nghèo ở thôn thoát nghèo vẫn còn. Và còn không ít. Nhưng ta cứ lấy hộ đã thoát nghèo. Với họ việc đóng tiền cho con sống nội trú có dễ dàng không? Không khó nếu chỉ một đứa con đi học. Nhưng đó lại là điều hiếm ở vùng cao. Thường thì mỗi nhà hai, ba, hoặc có thể 4 đứa con đang nội trú tại trường. Bây giờ nhà nước cho tiền ăn. Đến lúc tự đóng tiền, nhà có 4 con đi học mỗi tháng sẽ đóng 2,4 triệu. Nếu ba con – thì sẽ là 1,8 triệu mỗi tháng. Không dễ để một hộ vừa qua cái ngưỡng nghèo có thể làm được điều này. Rất không dễ, nếu không nói là không thể.

Thầy Hiệu trưởng trường Suối Giàng hơn năm nay lo mất ăn mất ngủ về viễn cảnh không xa khi Suối Giàng thành xã đạt "Nông thôn mới"! Thầy cùng các giáo viên làm cuộc thăm dò phụ huynh của 430 em học sinh đang sống tại ký túc xá. Câu hỏi đặt ra là: Khi không còn khoản 600 ngàn đồng/tháng/mỗi con đi học do nhà nước cho, thì phụ huynh sẽ định nuôi con tiếp tục học thế nào?. 

Kết quả là: Hầu như tất cả đều khẳng định muốn và sẽ nuôi con tiếp tục theo học. Nhưng chỉ 50% cho biết sẽ cố gắng tự lo tiền đóng cho bếp ăn tại trường. 50% phụ huynh đề nghị nếu không còn tiền nhà nước nuôi ăn, họ xin trường để con họ về lại học ở điểm trường tại bản. Con cái họ sẽ ăn tại nhà rồi đến lớp. Tại nhà thì có gì ăn nấy. Trước đây chỉ nồi mèn mén là cả nhà người lên nương, người đến lớp thò tay nắm một nắm ăn là vẫn sống được. Bây giờ cũng thế. Nhưng lo 1-2 triệu mỗi tháng cho con ở nội trú thì các gia đình này không thể lo được.

Nếu điều này diễn ra, có nghĩa ông Hiệu trưởng "mất" trên 200 học sinh hiện ở nội trú. Đáng lo hơn nữa, số học sinh này (và số trẻ lớn lên bắt đầu đi học nữa), thầy cô vẫn phải lo dạy chúng học ở bản. Trước hết là vấn đề lớp học. Đã bao năm nay các lớp học ở bản không sử dụng. Giờ nhiều điểm để có thể dạy học sinh thì phải sửa chữa xây dựng lại. Giáo viên lại tản ra cắm bản. Và dạy học sinh ở bản sẽ không thể có chất lượng như là dạy tập trung tại trường nội trú. 

Một loạt vấn đề quá nan giải mà nhà trường hầu như không thể xử lý được. Vì vậy, như Hiệu trưởng nói, chỉ có cách là vận động phụ huynh đóng tiền cho con tiếp tục ở lại nội trú. Chỉ còn cách vận động thôi. Chứ giải pháp quay lại điểm trường ở bản thì lại quay về như cách đây 10 năm.

Chúng tôi đã đi nhiều và gặp nhiều các hiệu trưởng các trường vùng cao ở các xã đã hoặc đang vẫn là nơi đặc biệt khó khăn. Bức tranh chung là sự nghèo giảm đi, xã của họ đã và sắp thoát khỏi "vùng 135". Và cái chung là nỗi lo "mất học sinh", nỗi lo lại quay về "điểm trường ở bản" với nhiều hệ lụy cho việc dạy và học.

Thường thì người làm báo, khi phản ánh hay đề cập sự việc hay vấn đề, nên có một quan điểm và một đề xuất. Nhưng với chuyện này, tôi nghĩ mãi mà không thể chắc chắn mình nên có ý kiến gì. Nhà nước đã hỗ trợ nuôi con bà con vùng cao nghèo ăn học – thật đúng và thật cần. Cuộc sống thay đổi, khi vùng dân vùng cao  thoát cảnh đặc biệt khó khăn, cần thúc đẩy sự tự lập của người dân, ở đây là chuyện lo cho con cái mình – Điều này cũng rất đúng.  

Điều gì sẽ diễn ra khi ngưng khoản hỗ trợ của nhà nước? Thày cô và chính quyền địa phương sẽ vận động được người dân tự lo tiền nội trú cho học sinh, mọi cái hay của mô hình trường dân tộc nội trú sẽ được tiếp tục trọn vẹn. Nhưng các trường và cả địa phương có trường cũng không chắc việc vận động có thành công không thì chúng ta càng khó dự đoán. 

Nếu có một ý kiến, thì ý kiến của tôi chỉ là: Trước khi thực hiện việc ngưng hỗ trợ, hãy khảo sát thật kỹ các tác động và hệ quả. Để chọn một trong hai cách: Hoặc vẫn quyết định ngững hỗ trợ và thúc đảy sự tự lập của người dân, thúc đẩy quyết tâm vượt nghèo của địa phương. Hoặc cần có giải pháp chuyển tiếp để quá trình chuyển từ chính sách hỗ trợ sang tự lo của người dân diễn ra chậm hơn nhưng không gây hệ quả đối với việc học hành của trẻ em vùng còn khó khăn.

Cùng trò chuyện hôm đó ở Suối Giàng, có một thày giáo đã có tuổi. Thầy giáo kể thời đã xa, khi trẻ em Suối Giàng ở bản xa còn chưa đi học, thầy còn trẻ, được phân công vào một bản để lập điểm trường. Khi thầy vận động dân dựng lớp học, trưởng bản từ chối thẳng thừng. Nguyên do là vì trước đó cũng đã có vận động dân bản làm lớp học. Nhưng rồi giáo viên không về. Từ đó dân bản không tin tưởng nữa. Thầy giáo quyết ở lại bản, không chịu đi. Mãi rồi trưởng bản và người dân cũng thấy thương và kéo nhau góp gỗ dựng lớp học. Thầy giáo kể: "Lúc đó tôi nghĩ mình cứ thi gan, giời không chịu đất đất phải chịu trời!".

Tôi hỏi:" Nếu ngưng chính sách "600 ngàn", dân bản nhất định đòi lập lại điểm trường ở bản, không gửi con vào nội trú nữa, thì thầy có chịu về cắm bản lần nữa không?" Thầy giáo thở dài: "Như thế sẽ gay lắm, nhung mà…Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời, biết làm sao được!"

Có lẽ, trong những chuyện thế này, không chỉ thầy giáo, mà người tham mưu quyết định chính sách cũng đừng xa với cách nghĩ giản dị như thế. Giữa nhà nước mình với dân mình, có những lúc nên thêm chút chịu nhau thì không hẳn là chậm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem