Công lý và án tử hình

Đức Hiển Thứ năm, ngày 10/08/2023 09:36 AM (GMT+7)
Điều mà số đông quan tâm nhất có lẽ không phải là giữ hay bỏ án tử hình. Mà là những băn khoăn với một số trường hợp bị án tử hình mà quá trình buộc tội còn những điểm chưa thuyết phục, những sai sót tố tụng trong thu thập, bảo vệ vật chứng và đánh giá chứng cứ.
Bình luận 0

1. Công lý không phải là bỏ hay giữ án tử hình. Công lý là tâm trạng xã hội, là sự "tâm phục khẩu phục" của xã hội trước bản án.

Suốt gần hai thế kỷ nay, cuộc tranh luận về giữ hay bỏ án tử hình chưa bao giờ nguội đi.  Quốc gia đầu tiên bãi bỏ hoàn toàn án tử hình là Venezuela, vào năm 1863. Một thế kỷ sau, chỉ thêm 11 quốc gia khác bãi bỏ án tử hình. Từ những thập kỷ cuối thế kỷ XX đến nay ngày càng có nhiều quốc gia bãi bỏ án tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt.

Hiện chỉ còn chưa tới 1/3 số quốc gia trên thế giới (54/195 quốc gia) duy trì hình phạt này. 104 quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, các quốc gia khác hoặc bãi bỏ trên thực tế hoặc loại trừ hình phạt tử hình ra khỏi hầu hết các tội phạm.

Tuy nhiên việc giữ hay bỏ án tử hình không hoàn toàn đại diện cho sự tiến bộ tư pháp và hình sự. Ở những quốc gia phát triển như Mỹ, hình phạt này vẫn được duy trì dù trên thực tế có 16 năm liên tục (2003 đến 2019) không có án tử nào được thi hành tại Mỹ. Việc tiếp tục thi hành được thực hiện bởi chính phủ liên bang vào cuối 2019, tại một số bang thì nó đã được bãi bỏ. 

Tại Việt Nam, lịch sử lập pháp trong lĩnh vực hình sự ghi nhận sự co hẹp của hình phạt tử hình. Tại Bộ Luật Hình sự 1999, có 30/267 điều luật có quy định hình phạt tử hình; đến lần sửa đổi 2010 còn 22/277 điều luật có quy định hình phạt tử hình. Tới BLHS 2015, còn 18 tội phạm được quy định hình phạt tử hình.

Như vậy, dù chưa bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng Việt Nam đang đi theo xu thế chung trong việc hạn chế án tử hình.

Nhưng việc bãi bỏ án tử hình chỉ đạt được mục đích của nó nếu điều chỉnh tốt nhất hành vi con người, hạn chế tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự, sức khoẻ và tài sản của công dân. Venezuela bỏ án tử hơn 150 năm nay (1863) nhưng đất nước này gần đây vẫn được được đánh giá là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới về tội phạm hình sự với số vụ giết người bình quân 8 vụ/ 10 ngàn dân vào năm 2018

Việc bỏ án tử hình phải song hành với sự phát triển xã hội. Văn minh pháp lý trong lĩnh vực hình sự không có nghĩa là rập khuôn các quy định về giữ hay bãi bỏ án tử hình của quốc gia khác; mà ở chỗ chính sách hình sự bảo vệ tốt nhất các khách thể của ngành luật này ở quốc gia mình. Không thể phủ nhận rằng nỗi sợ hãi bị trừng trị sẽ khiến tội phạm chùn tay; khiến những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do bộc phát (như giết người vì mâu thuẫn xã hội) sẽ điều chỉnh ngay từ trong ý nghĩ, không đưa bản thân vào tình huống phạm tội. Đó gọi là tính chất răn đe và phòng ngừa chung của hình phạt, mà tác dụng của hình phạt tử hình là khó có thể phủ nhận, thay thế.

Cho đến nay, ngoài giới nghiên cứu pháp luật, điều mà số đông quan tâm nhất có lẽ không phải là giữ hay bỏ án tử hình. Mà là những băn khoăn với một số trường hợp bị án tử hình mà quá trình buộc tội còn những điểm chưa thuyết phục, những sai sót tố tụng trong thu thập, bảo vệ vật chứng và đánh giá chứng cứ.

2. Một thời không thể giải oan do vướng luật!

Trước đây, một thời gian dài, có nhiều vụ án bị cáo cùng lúc phạm nhiều tội thường là giết người, cướp của, hiếp dâm... và bị tuyên án tử hình, tuy nhiên từ kêu oan của bị cáo và gia đình, từ sự lên tiếng của dư luận, Quốc hội đã vào cuộc và nhìn rõ những sai sót tố tụng. Do không có cơ chế để xem lại phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên những vụ án này không còn cơ hội khắc phục.

Như vụ tử tù Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai, bị tuyên tử hình về tội cướp của, giết người. Khi phát hiện  oan sai thì bị cáo đã bị bệnh nan y giai đoạn cuối và mất. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc Hội Vũ Đức Khiển thay mặt đoàn giám sát đến thắp hương cho anh Nam trong ngậm ngùi.

Trong vòng 10 năm trời, anh Nam liên tục viết đơn kêu oan và ngay tại thời điểm tử tù Nam mang trọng bệnh, đoàn giám sát của quốc hội đã đến tận bệnh viện thăm anh vì hiểu rằng anh bị oan ức. Thế nhưng luật chưa có cơ chế xem lại bản án do cơ quan xét xử cao nhất (Hội đồng thẩm phán TAND tối cao) phán quyết. Vụ án đã vượt ra ngoài ranh giới các quy định pháp luật hiện hành...

Chỉ mấy ngày sau khi có cuộc viếng thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội nói trên, anh Nam qua đời vì bệnh tật và phán quyết tử hình với anh sẽ mãi mãi không thi hành được. Lần nửa, các đại biểu Quốc hội lại can thiệp để gia đình anh Nam được mang xác anh về nhà chôn cất theo phong tục.

Ông Khiển nói như phân trần với gia đình anh Nam:

- Gia đình đừng ân hận là vì không mời luật sư để bào chữa cho anh từ giai đoạn điều tra. Vì không luật sư nào bằng Ủy ban Pháp luật của quốc hội và Chánh án, Viện trưởng VKS ND tối cao lúc ấy. Họ đã chỉ những điểm vô lý trong bản án và đã đề nghị hủy nhưng vẫn không được chấp nhận kia mà! Và đến nay quan điểm anh Nam không phạm tội đã được các cơ quan tố tụng tối cao chấp nhận. Thế nhưng luật pháp hiện nay không cho phép xem lại bản án của cơ quan xét xử cao nhất. Bởi vậy, về mặt pháp lý, anh Nam vẫn là người mang án tử hình và việc tôi đến thăm gia đình như thế này, đã là sự mạo hiểm...

Có vụ, bị cáo không được tuyên vô tội mà được giảm án xuống chung thân dù không có căn cứ nào mới. Nhưng dư luận cũng vơi bớt đi gánh nặng khi một người bị tử hình trong một bản án còn nhiều băn khoăn.

3. Có cách phá án đụng trần không? 

Thực tế không ngành khoa học nào không có những sai sót. Khoa học pháp lý cũng vậy, không phải bao giờ các quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng luôn đúng. Có những tình tiết quan trọng, mới, làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại không biết được khi ra quyết định. Rất may, để khắc phục tình trạng đó, Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định quyền được yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi của các đương sự trong vụ án. Điều này giúp phá thế bí những bản án, quyết định đã "chạm nóc, đụng trần" có dấu hiệu oan sai.

Tuy nhiên, hình như từ khi Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực, chưa có vụ án nào được kiến nghị xem xét lại theo Điều 404

Công lý không nằm ở chỗ bỏ án tử hình. Công lý thể hiện ở một nền tư pháp được kiểm soát tốt; biết chấp nhận và thừa nhận sai sót để khắc phục;  bảo vệ pháp chế trước hết ở chỗ "biết thua", tha lầm hơn xử oan sai; tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem