Cây sầu riêng đã khá quen thuộc với nhiều người dân Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) bởi hương vị đặc trưng, đậm đà, lớp thịt mềm vàng ẩn bên trong vỏ quả nhiều gai thô cứng.
Với năng suất, chất lượng và giống sầu riêng ghép hiện nay, những cây sầu riêng ghép chất lượng cao dần thay thế những cây sầu riêng trồng bằng hạt, những cây sầu riêng trồng bằng hạt lớn tuổi dần không còn.
Thế nhưng ở thôn 3, xã Lộc An, huyện, Bảo Lâm, (tỉnh Lâm Đồng) bà Huỳnh Thị Ba (tên thường gọi là bà Lý), vẫn còn giữ lại 3 cây sầu riêng cổ thụ vốn trồng bằng hạt, khoảng 60 năm tuổi.
Mới đầu, thật tình cờ từ đằng xa nhìn, chúng tôi thấy những dáng cây cao to giữa một vùng cây cà phê, chúng tôi nghĩ là những cây rừng còn sót lại; thật bất ngờ khi được người dân cho biết đó là cây sầu riêng.
Tìm đến vườn có cây sầu riêng cổ thụ, rất may mắn đã gặp được chủ nhà, bà Lý tuy đã 75 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, bà niềm nở trò chuyện với chúng tôi.
Bà cho biết, khi bà 15 tuổi, bố của bà làm quản lý đồn điền trà ở đây, ông mua quả sầu riêng ở Sài Gòn ăn và lấy hạt ươm, ban đầu trồng 20 cây.
Một trong 3 cây sầu riêng cổ thụ trồng bằng hạt trong vườn cà phê của gia đình bà Huỳnh Thị Ba, thôn 3, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, (tỉnh Lâm Đồng). Ba cây cổ thụ trong vườn của gia đình bà vẫn ra trái, bình quân mỗi năm thu 2,2 tấn trái.
Khi kể về lịch sử của cây sầu riêng này trong vườn, cũng là dịp bà ôn lại những kỷ niệm của cuộc đời bà trên vùng đất mới cao nguyên hoang sơ ngày nào.
Những cây sầu riêng cho gia đình bà một nguồn thu không nhỏ, tuy nhiên qua thời gian vì những lý do khác nhau đã chặt bỏ mười mấy cây, còn ba cây bà quyết tâm giữ lại vì đó là những cây kỷ niệm do bố trồng. Trước đây, bố của bà trồng 3 loại cây: cây sầu riêng, măng cụt, bơ, chủ yếu trồng để lấy quả cho các con ăn.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, lần đầu được tận mắt nhìn thấy cây sầu riêng cao to thế này, hiện cây đang ra hoa hứa hẹn một mùa trái bội thu mới.
Cây sầu riêng cao to nhất có đường kính gốc gần 90cm, cây cao hơn 20m, đường kính tán cây khoảng 20m, cành cây có đường kính 30cm.
Cây cổ thụ thứ hai có đường kính gốc 70cm, cây thứ ba khoảng 50cm. Bà Lý cho biết: “Trong năm 2016 từ 3 cây sầu riêng bà thu được khoảng 2,2 tấn quả, với giá bán 15.000 đ/kg bà thu được gần 33 triệu đồng.
Ngoài ra, còn một cây măng cụt có đường kính gốc khoảng 40cm, có năm cao điểm thu được 200kg quả”. Như vậy, ngoài giá trị kinh tế, những cây ăn trái của bà Lý còn mang tính lịch sử, khẳng định sự thích nghi của loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao ở cao nguyên Di Linh nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Ở những vùng cà phê hiện nay, trồng xen những cây thân gỗ có giá trị kinh tế (sầu riêng, bơ, măng cụt, mắc ca…) trong vườn cà phê góp phần canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng độ che phủ đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về thị trường.
Từ câu chuyện những cây sầu riêng cổ thụ của nhà bà Lý; thiết nghĩ chúng ta, tiếp tục phát động phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân, nâng cao ý thức của người dân về trồng cây xanh bảo vệ môi trường, đúng như lời Bác Hồ đã dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.