Vùng đất thiêng ở Lào Cai có đỉnh núi cao với chuyện ly kỳ về loài hổ dữ ngồi canh "rừng tỏi tiên"

Chủ nhật, ngày 27/08/2023 12:52 PM (GMT+7)
Từ đời này qua đời khác, người dân xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn thường kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện về đỉnh núi Sừng Trâu - vùng đất thiêng có cây tỏi mọc tự nhiên. Câu chuyện về loài hổ dữ canh giữ "rừng tỏi tiên"...
Bình luận 0

Đỉnh núi Sừng Trâu-địa danh này được người dân xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhắc đến như một niềm tự hào và chỉ những ai thực sự khỏe mạnh, đủ can đảm mới chinh phục được.

Bắt đầu từ những câu chuyện kỳ bí

Trong một chuyến công tác tại Dền Sáng, chúng tôi được những người cao niên kể cho nghe về “rừng tỏi tiên” mọc tự nhiên trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. 

Qua bao nhiêu kỳ kiến tạo, những đỉnh núi xô vào nhau như 2 con trâu lớn đọ sừng đầy mạnh mẽ và thách thức. Bởi vậy, đỉnh núi cao là ranh giới tự nhiên của 3 xã Dền Sáng, Sàng Ma Sáo và Y Tý được gọi là đỉnh Sừng Trâu. 

Trên đỉnh núi ấy mọc đầy cây tỏi thơm quanh năm xanh tốt. Vậy nhưng, để lên đến đỉnh Sừng Trâu và tìm được rừng tỏi bạt ngàn là cả một hành trình gian khó mà không phải ai cũng đủ can đảm lên đó. Những câu chuyện nhuốm màu sắc “liêu trai” về vùng đất ấy vì thế vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Vùng đất thiêng ở Lào Cai có đỉnh núi cao với chuyện ly kỳ về loài hổ dữ ngồi canh "rừng tỏi tiên" - Ảnh 1.

Đỉnh núi Sừng Trâu - nơi có “rừng tỏi tiên” thuộc xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Bên mâm cơm muộn, hơi rượu khiến khuôn mặt những người đàn ông người Dao dạn dày sương gió ửng đỏ, ông Tẩn Díu Quan trầm ngâm hồi tưởng: Cách đây lâu lắm rồi, ngày nông nhàn, đàn ông trong làng thường kéo nhau lên rừng săn bắn. 

Có lần, vì theo dấu con linh dương mà người trong làng phát hiện ra đỉnh núi có nhiều tỏi mọc tự nhiên. Thấy giống cây tỏi ở vườn nhà nhưng lại thơm nồng hơn, nên các thợ săn lấy đầy tỏi nhét vào túi để mang về. 

Thế nhưng, khi trở về, cánh thợ săn không tìm thấy lối đi xuống, mọi dấu vết dường như không còn, nên phải nghỉ lại trong rừng. 

Lương thực dự trữ, thịt thú rừng xào với tỏi đã dần cạn mà mọi người vẫn chỉ quanh quẩn trên đỉnh núi, không tìm được lối về. 

Nhưng kỳ lạ thay, khi họ dùng hết nhánh tỏi cuối cùng thì lối về hiện ra mà trước đấy không ai tìm thấy. 

Cũng bởi thế, từ xa xưa, người dân Dền Sáng chỉ dám lấy một ít tỏi để ăn trên núi, chứ không dám mang về nhà để tránh bị lạc rừng. 

Nói đến đây, ông Quan quay sang chúng tôi dặn dò: “Tỏi đấy là do tiên trồng, muốn xin về phải thành tâm cầu khấn, mang về nhà ăn thì người ốm mau lành bệnh, sức khỏe dồi dào, đàn ông trai tráng sẽ vạm vỡ và khỏe mạnh hơn”.

Hổ dữ canh “rừng tỏi tiên”

Hưởng ứng câu chuyện của ông Quan, những người bên mâm cơm cùng nhau chia sẻ nhiều câu chuyện kỳ bí “nơi rừng thiêng nước độc”. 

Anh Tẩn Láo Tả, thôn Ngải Chồ hào hứng kể lại câu chuyện về hổ dữ-vị “chúa sơn lâm” từng về tận thôn bắt lợn, bắt dê của người dân. 

Khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, người dân bắt đầu phát hoang những cánh rừng, săn thú, nên hổ đói ăn, phải về nhà dân săn lợn trong chuồng. 

“Chúa sơn lâm” để lại những dấu chân như chiếc bát lớn, sâu hoắm ngay bên chuồng lợn, chuồng dê. Trên rừng, những tiếng gầm gừ khiến người dân trồng thảo quả tối đến phải dùng ván gỗ đóng cửa chắc chắn ngủ yên trong lán, không dám bước chân ra ngoài. 

Có người từng nhìn thấy “chúa sơn lâm” vằn vện, to bằng con bê, đứng bên suối, nhẩn nha uống nước. Rồi từng tốp lớn trai tráng chia nhau lên núi để săn “chúa sơn lâm” ngự ở trên đỉnh Sừng Trâu. 

Thế nhưng, qua bao nhiều tuần trăng mà không ai tìm thấy, tiếng gầm của “chúa sơn lâm” vẫn vang vọng khắp cánh rừng đầy thách thức như tiếng gầm đe dọa của thiên nhiên. 

Người trong thôn đồ rằng, con hổ chính là vật nuôi của các vị tiên được phái xuống để canh giữ vườn tỏi tiên trên đỉnh Sừng Trâu. 

Do con người tiến sâu vào rừng, hổ không kiếm được thức ăn, phải vào thôn bắt lợn, vì “hổ tiên” biết người dân tổ chức đi săn, nên trốn vào hang sâu. 

Đã có một thời gian dài sau đó, người dân ở Dền Sáng không ai dám bén mảng đến vườn tỏi tiên vì sợ “ông” hổ ẩn nấp đâu đó xông tới bắt người. Rồi câu chuyện về ao nước lớn, sâu đến 6 -7 m ở trên núi, nước quanh năm trong vắt mà không rõ bắt nguồn từ đâu.

Người dân Dền Sáng gọi đó là ao tiên, cứ vào ngày trăng sáng hằng tháng, các tiên nữ xuống tắm mát và chơi đùa. Người ta cho rằng, vườn tỏi mọc ở trên núi vốn được các cô tiên thường xuyên chăm sóc, quanh năm tốt tươi.

Vùng đất thiêng ở Lào Cai có đỉnh núi cao với chuyện ly kỳ về loài hổ dữ ngồi canh "rừng tỏi tiên" - Ảnh 2.

Chinh phục đỉnh núi Sừng Trâu, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là niềm tự hào của nhiều người.

Những câu chuyện về rừng tỏi cứ thế được kể đầy màu sắc “liêu trai” xen lẫn niềm tự hào về vùng đất thiêng ấy hiện rõ trên nét mặt của mỗi người dân nơi đây. 

Tò mò về “rừng tỏi tiên”, chúng tôi lên kế hoạch và nhờ người dân thông thạo địa hình dẫn đường để chinh phục đỉnh Sừng Trâu. Thấy chúng tôi nhiệt tình và đã có sự chuẩn bị kỹ, anh Tẩn Phù Vần, từng là thợ săn chuyên nghiệp và anh Tả, người đã lên rừng tỏi 2 lần nhận lời dẫn đường. 

Các anh dặn dò bỏ những hành lý không cần thiết và chuẩn bị những nhu, yếu phẩm rồi nhắc chúng tôi ngủ sớm giữ sức để lên đường. 

Anh Vần nhắc nhở đầy nghiêm túc: “Lên rừng nguy hiểm lắm, đường xa phải nghỉ lại qua đêm, không đùa được đâu đấy nhé!”. Đêm đó, chị Lý Thị Mẩy đưa cho mỗi người một gói thuốc nhỏ dặn dò nhớ phải mang trên người để tránh bị rắn tấn công. 

Chị nhắc lại lần nữa để không được quên các vật dụng, như dao, đèn pin, bật lửa, xoong nhỏ và gói muối ăn, mang gạo để đề phòng lạc đường nghỉ trên núi lâu ngày… 

Chúng tôi cũng không quên giắt vào ba lô củ gừng, “thần dược” khi ngủ đêm ở độ cao trên 2.000 m. Đêm xuống, trời ít gió, áp suất thấp sẽ khó thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chỉ cần nhai củ gừng, mao mạch giãn, máu dễ lưu thông, ấm người là có thể sống sót.

Trong suy nghĩ của chúng tôi, không rõ hành trình chinh phục đỉnh Sừng Trâu sẽ gian truân như thế nào, nhưng sự tò mò và khao khát đặt chân lên “thánh địa” của loại “tỏi tiên” cứ đốc thúc chúng tôi thực hiện chuyến đi mạo hiểm này. 

Hơn bao giờ hết, đỉnh núi ấy giờ không chỉ là niềm tự hào, là khát khao muốn khám phá của bao thế hệ người dân nơi đây, mà còn truyền sang cả chúng tôi. Đường lên đỉnh Sừng Trâu, đường lên “rừng tỏi tiên” bỗng nhiên trở nên hấp dẫn đến thế...

(Còn nữa...).

Thúy Phượng-Đức Phương (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem