-Qua theo dõi của Bộ NNPTNT, chúng tôi nhận thấy diễn biến của sạt lở đã khác trước, không còn theo quy luật. Thứ nhất, trước đây ở ĐBSCL sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu là cơ bản như nhau, tuy nhiên những năm gần đây, tập trung sạt lở sông Tiền nhiều hơn. Qua nghiên cứu và đo thủy văn, thủy lực… cho thấy dòng chảy trong mùa khô có xu thế tăng lên, dẫn đến xu hướng dịch chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu trong mùa khô mạnh hơn trước rất nhiều. Nguyên nhân gây sạt lở là do dòng chảy thay đổi, tất cả những tác động làm thay đổi dòng chảy sẽ gây ra sạt lở.
Chính việc nước chảy từ sông Tiền sang sông Hậu trong mùa khô đã gây ra một hiện tượng thứ hai là sạt lở các đoạn sông, kênh dẫn nước từ sông Tiền sang sông Hậu. Đặc biệt, tình trạng này càng ngày càng tăng lên và có tốc độ rất nhanh.
Thứ ba, xu hướng sạt lở thì hiện nay vào tất cả các mùa trong năm, trong khi trước đây sạt lở chủ yếu vào mùa lũ. Theo chúng tôi quan sát, 5 năm trở lại đây, sạt lở vào mùa kiệt thậm chí còn nhiều hơn vào mùa lũ. Lý do là bên cạnh sự gia tăng dòng chảy trong mùa khô, còn do chịu tác động của triều cường tăng giảm quá nhanh quá mạnh, đây cũng là một hiện tượng rất lạ, trái quy luật, việc này phải nghiên cứu kỹ.
Ngoài ra, do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng mạnh, làm gia tăng các tác động tiêu cực đến sự ổn định bờ kênh rạch như: lưu lượng tàu thuyền hoạt động nhiều, đặc biệt là các loại tàu thuyền tốc độ cao gây ra những đợt sóng tác động vào mái bờ; Xây cất nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng, chất tải hàng hóa, vật liệu,.. làm gia tăng tải trọng lên mép bờ. Các tác động này góp phần làm cho tình trạng sạt lở bờ trong các kênh rạch thêm trầm trọng.
Đối với sạt lở bờ biển, trước năm 2005 mỗi năm vùng này được bồi thêm khoảng 100ha nhưng theo dõi trong vòng 15 năm vừa qua tính đến khoảng năm 2020, mỗi năm ĐBSCL mất đi khoảng 300 ha, trong đó 5 năm trở lại đây có năm đã mất trên 500 ha đất. Như vậy, kể cả một số cửa sông, bờ biển trước đây có xu thế bồi lấp thì hiện nay lại xói mòn.
Mới đây, trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì xây dựng và đề xuất giải pháp tổng thể về phòng chống sạt lở ĐBSCL. Hiện, Bộ NNPTNT đã có những chuẩn bị gì cho việc này, thưa Thứ trưởng?
- Sau đợt mưa lũ gây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi phía Bắc, ở Tây Nguyên và một số điểm ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã họp Thường trực Chính phủ và quyết định dành một khoản kinh phí không nhỏ trong dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục ngay các điểm sạt lở nguy hiểm.
Thủ tướng đã trực tiếp dành 2 ngày để đi khảo sát các điểm sạt lở tại 8 tỉnh/13 tỉnh ở ĐBSCL. Sau khi làm việc ngay với Bí thư và Chủ tịch 13 tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ cả các giải pháp dài hạn và ngắn hạn.
Về những nhiệm vụ Bộ NNPTNT được giao, hiện chúng tôi đang phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp các điểm sạt lở nguy cơ cần phải làm ngay và báo cáo lại Thủ tướng. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tổng hợp và trực tiếp đến những điểm nguy cơ sạt lở lớn tại khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ để báo cáo lại Thủ tướng.
Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, nếu có thiên tai xảy ra, những nơi bị ảnh hưởng thiên tai sẽ được hỗ trợ ngay. Đây là điều khác biệt rất lớn trong chỉ đạo hiện nay. Điều này cũng là rất đúng với Luật ngân sách, Luật phòng, chống thiên tai.
Chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt nên đơn vị thực thi cũng cần thực hiện rất nhanh và chính xác. Tôi nhấn mạnh tính "chính xác" ở đây vì đã có những trường các địa phương đưa lên các điểm cần hỗ trợ cũng chưa đúng với các tiêu chí cần phải xử lý gấp của thiên tai.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, chúng tôi đã có phân loại các trường hợp xử lý: Thống nhất điểm sạt lở cần xử lý ngay nhưng xem xét kỹ quy mô và biện pháp kỹ thuật hợp lý; chủ động đề xuất các điểm cần xử lý ngay với địa phương qua tổng hợp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai về các điểm có nguy cơ đã được theo dõi nhiều năm nhưng đến nay có nguy cơ cao hơn…
Các trường hợp này đều được chúng tôi ngồi bàn bạc kỹ với các địa phương trên tiêu chí xác định đúng điểm bị tác động ở cấp thiên tai, tính toán lại quy mô và giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí và đảm bảo bền vững hơn. Các tỉnh đều đồng thuận với những ý kiến do đoàn công tác của Bộ NNPTNT đưa ra.
Theo nhận định, sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra hết sức nhanh và phức tạp, vậy Thứ trưởng nhìn nhận giải pháp cốt lõi cho vấn đề này là gì?
-Thực tế nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn cả những kịch bản được tính toán. Theo tôi, bài toán về việc xử lý sạt lở là bài toán của cả vùng chứ không phải từng điểm. Bởi vì có những điểm kè ở thượng nguồn nhưng lại bị sạt lở ở hạ nguồn. Chúng ta cần có một giải pháp tổng thể với nhiều biện pháp khác nhau nhưng phải dựa vào quy luật của dòng chảy.
Quan điểm của cá nhân tôi và Bộ NNPTNT là cần có giải pháp tổng thể để giải quyết sạt lở, giải pháp đó gắn với thực tiễn, đưa ra là phải làm được. Sạt lở có nhiều nguyên nhân, có thể do địa chất, do mưa… nhưng ở thời điểm hiện nay cứ nói do biến đổi khí hậu nhưng ở một số điểm lại do con người là nhiều. Như vậy mỗi một khu vực, điểm sạt lở lại cần phương pháp tiếp cận khác nhau vì nguyên nhân khác nhau.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo cấp bách phân bổ vốn phòng chống sạt lở
Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ ngành về việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, với 7 tỉnh và thành phố Cần Thơ, các bộ hoàn thiện các phương án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua. Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương, bộ, ngành rà soát lần nữa với 5 tỉnh mà Bộ đi khảo sát và có đề xuất chính thức.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc đề xuất danh mục dự án phải theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải lựa chọn dự án nơi nào làm trước, nơi nào làm sau, sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm dứt điểm từng khu vực, từng dự án.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ rà soát, thống nhất đề xuất danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước 15/9/2023 để có nguồn lực cùng với các địa phương xử lý kịp thời các khu vực sạt lở.