Tiếp tục kiểm tra vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh (Lâm Đồng), Thứ trưởng Bộ NNPTNT bất ngờ chỉ rõ nguyên nhân này

Văn Long Thứ ba, ngày 08/08/2023 13:56 PM (GMT+7)
Nhận định về nguyên nhân xảy ra sạt trượt, sụt lún tại hồ chứa nước Đông Thanh, các chuyên gia và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đều cho rằng khu vực này có cung trượt đã xuất hiện từ lâu, khi có tác động đã hoạt động, phá hủy hạ tầng.
Bình luận 0

Cung trượt đã hiện hữu từ lâu

Sáng ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường vụ sạt lở, sụt lún tại hồ chứa nước Đông Thanh (thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cùng đoàn chuyên gia. Tham gia kiểm tra cùng Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp có ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà cùng các sở, ngành liên quan.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các chuyên gia khảo sát thực địa tại khu vực sạt lở gần hồ Đông Thanh.

Tại khu vực hồ xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà báo cáo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, trong tháng 6, trên địa bàn huyện Lâm Hà liên tục có mưa lớn trên diện rộng. Ngày 1/7, địa phương đã phát hiện tại khu vực trên xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20-30cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ gia đình. Sau đó, gần 1 tháng, khu vực trên xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của 3 hộ gia đình trên, chiều rộng các vết nứt phát triển rộng đến 50cm và vết nứt đã lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án.

Liên quan đến cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết đoạn dốc số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm. Ngoài ra, đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60cm, tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên phải bị đẩy đổi 60cm.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 2.

Hồ Đông Thanh thời gian qua đã bị sạt trượt, ảnh hưởng đến một phần công trình đang thi công.

Kiểm tra thực tế cũng như nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, tại khu vực trên đã có một cung trượt đã hiện hữu từ lâu. Do một số tác động thì cung trượt này đã bắt đầu hoạt động gây ra hiện tượng sụt lún, phá hủy một số hạ tầng trong khu vực trên.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 3.

Vị trí sạt trượt xuất hiện trên vườn cà phê đang canh tác của người dân địa phương.

"Trước mắt, các đơn vị liên quan cần phải bố trí thêm nhiều mũi khoan nữa để xác định xem cung trượt này dài như thế nào, rộng ra sao và sự dịch chuyển của cung trượt này trong thời gian qua như thế nào? Khi xác định được đúng vị trí, đúng nguyên nhân chính khi xảy ra sạt trượt thì chúng ta mới sử dụng các giải pháp phù hợp.

Sau khi kiểm tra thực tế, chúng tôi sẽ cùng với đoàn chuyên gia, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng để bàn bạc, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Đối với cung trượt này, cần phải thực hiện ngay việc thoát nước mặt và thoát nước ngầm. Đối với rãnh trượt ở đỉnh, chúng ta phải có giải pháp để đưa nước ra khỏi khu vực khác. Rất may là hồ này đang thi công, chưa tích nước nên cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp dài hơi để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như tính mạng, tài sản của người dân địa phương", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Sớm lập bản đồ sạt trượt

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, tỉnh Lâm Đồng cần sớm lập bản đồ sạt trượt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để chủ động phòng tránh.

Cũng có mặt tại buổi làm việc, các chuyên gia cũng nhận định tính nghiêm trọng và nguy hiểm của trình trạng sạt trượt gần công trình hồ chứa nước Đông Thanh. PGS, TS, chuyên gia Nguyễn Châu Lân cho biết, hiện nay, việc cấp bách cần làm đối với khu vực trên là phải giảm tải toàn bộ phần đỉnh của khối trượt, thoát nước phần đỉnh, thậm chí là làm bậc nước từ trên xuống dưới. Sau đó, các cơ quan chức năng mới đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý sự cố trên.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 5.

Chuyên gia Nguyễn Lân Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khi đó, PGS, TS, chuyên gia Phạm Hữu Sy cũng nhận định, Lâm Đồng là tỉnh miền núi nên địa phương cần phải rất chủ động trong việc phòng, tránh sạt trượt. Qua những vụ sạt lở đất trong thời gian vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cũng cần rút ra bài học, cần liên hệ, trao đổi mật thiết đối với các nhà khoa học, trung tâm đào tạo để chủ động ứng phó với các vụ việc tương tự.

Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tỉnh Lâm Đồng trong thời gian vừa qua đã có nhiều chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, hay vụ sạt lở tại hồ chứa nước Đông Thanh.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu kết luận buổi làm việc.

"Thời gian vừa qua, tỉnh Lâm Đồng liên tục có sạt trượt, sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng. Đây là điều mà chúng ta có thể thấy những bất thường của thiên nhiên, từ đó chúng ta có cái ứng xử hợp lý trong thời gian tới. Là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp, vì vậy, tỉnh Lâm Đồng phải lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cần phải sớm tổ chức hội nghị để nhận định tình hình và đưa ra giải pháp phòng, chống cả ngắn hạn, cả dài hạn về sạt trượt, sụt lún trên địa bàn.

Tôi đề nghị Lâm Đồng sớm phối hợp với các cơ quan chuyên môn sớm thực hiện được bản đồ sạt trượt. Bản đồ này phải chính xác đến điểm nhỏ nhất, cụ thể, chính xác nhất. Trong mùa mưa này, với 163 điểm có nguy cơ sạt trượt tỉnh Lâm Đồng đã thống kê cần chia ra, điểm nào nguy cơ cao, cần làm ngay để chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Vụ sạt lở gần hồ Đông Thanh: Khu vực có cung trượt đã hiện hữu từ lâu - Ảnh 7.

Nhà cửa, vườn tược của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ sạt trượt gần hồ chứa nước Đông Thanh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc cũng đã giao cơ quan chuyên môn huyện Lâm Hà sớm hoàn thành hệ thống điện, đường giao thông dân sinh cho người dân sống trong khu vực thôn Đông Anh đoạn qua hồ Đông Anh đang bị sạt trượt mà người dân phản ánh. Đồng thời, tiếp tục tiến hành quan trắc, theo dõi vụ sạt trượt và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan, chuyên gia để xác định nguyên nhân, khắc phục vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem